Cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả chuyển hướng và lắt léo hơn

Thứ Năm, 05/01/2023, 15:02

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương chiều 5/1, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Theo Tổng cục QLTT, trong bối cảnh dịch bệnh, hành vi tiêu dùng của dân đã thay đổi một cách nhanh chóng, chuyển đổi từ hình thức mua bán trực tiếp sang phương thức trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh… Việc mua bán, giao dịch hàng hóa diễn ra trên môi trường mạng và các kho chứa hàng đặt tại những địa bàn hẻo lánh hoặc tại nhà dân, chung cư khiến cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn -0
Các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất nhiều giải pháp đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu.

Trong năm 2022, cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn. Bởi, hiện nay, do phía Trung Quốc đã xây dựng tường rào và kiểm soát chặt khu vực biên giới nên tình trạng hàng lậu vận chuyển qua đường mòn, lối mở, khu vực đồi núi giáp biên ở các tỉnh phía Bắc hầu như không có. Thay vào đó, hàng lậu, hàng giả chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí còn vận chuyển ngược ra phía Bắc.

Tại thị trường nội địa, qua công tác kiểm tra tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Phú Yên... tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn. Hành vi kinh doanh này đã làm ảnh hưởng lớn đến các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Điển hình, thời gian gần đây, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng tại các trung tâm thương mại và các chợ lớn tại TP Hồ Chí Minh như Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành, phát hiện thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm là túi xách, mắt kính, quần áo, giày dép có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh...

Cung đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả thay đổi, chuyển hướng và lắt léo hơn -0
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được bày bán tại các tuyến phố, chợ truyền thống và tại các trung tâm thương mại lớn.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Tổng cục QLTT cho rằng, năm 2022, hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong các dịp nghỉ lễ. Trong năm, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện các vụ việc vận chuyển, tập kết, chế biến thực phẩm bẩn như thịt, mỡ, nội tạng động vật, trứng non… không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, có dấu hiệu hư hỏng chuẩn bị đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, năm 2022, lực lượng QLTT tổ chức giám sát đối với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động.

Bên cạnh những kết quả đó, Tổng cục QLTT cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phối hợp giữa Cục QLTT các tỉnh, thành phố chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa giữa các địa bàn. Một số địa bàn chưa kiểm soát chặt chẽ thị trường, hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn trọng điểm. Thậm chí, trong quá trình thực thi công vụ, một số công chức QLTT, người lao động vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này phản ánh ý thức trách nhiệm và trình độ năng lực của một số công chức QLTT còn hạn chế. 

Tổng cục QLTT xác định, đấu tranh chống buôn lậu. hàng giả, gian lận thương mại là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía. Năm 2023 được dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT đặt mục tiêu, thay đổi toàn diện phương thức làm việc; chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả 24/7 mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.

Ngoài ra, lực lượng cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục QLTT; xử lý nghiêm công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

Lưu Hiệp
.
.
.