CPI tháng 8/2024 ổn định

Thứ Sáu, 06/09/2024, 10:15

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.

Ngày 6/9, Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024. 

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung tháng 8/2024, CPI ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.

Trong đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 8/2024 tăng 0,28% so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, yếu tố làm tăng CPI 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước là do Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá: Nhóm lương thực tăng 14,98%, tác động làm CPI tăng 0,55 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 19,95% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm; Nhóm thực phẩm tăng 2,2%, làm CPI chung tăng 0,47 điểm phần trăm; Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,06%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.

CPI tháng 8-2024 ổn định -0
Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024.

Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.  

Lưu Hiệp
.
.
.