Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8
Tối 2/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Kiến tạo tương lai". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tới tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương và đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1).
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức chương trình đã công bố 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. Như vậy, năm nay cả nước có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng 38,7% so với kỳ xét bình chọn 2020. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hoá và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa. Theo đó, các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia rất đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, hàm lượng khoa học công nghệ cao, uy tín trên thị trường và đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Đáng chú ý trong số này là các thương hiệu: Công ty Cổ phần Traphaco, TNG Holding, nội ngoại thất inox nhựa Quý Phúc, Công ty Cổ phần giống Bò sữa Mộc Châu, Điện cơ Thống Nhất, khóa Việt Tiệp, sữa TH True Milk, Hòa Phát, Hoa Sen, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Bảo Việt, BRG, Trường Hải Auto, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chúc mừng và biểu dương 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. Đây là một sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh những thương hiệu sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chất lượng có uý tín, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế góp phần đưa thương hiệu Việt ngày càng trở nên thân thiện, uy tín và hấp dẫn hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo triển khai đạt kết quả tốt trong các hoạt động triển khai, quảng bá thương hiệu quốc gia, góp phần củng cố nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian tới, khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ cho nên cần phải xây dựng và nâng tầm thương hiệu quốc gia phải là chiến lược. Do đó, doanh nghiệp cần khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển lợi thế trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp giá trị xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia Việt Nam là hình ảnh thương hiệu của đất nước, truyền thống văn hoá, lịch sử của con người Việt Nam.
Đảm bảo và không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, không ngừng trau đồi bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Chú trọng công tác truyền thông, thương hiệu; hoạt động tài chính minh bạch và bền vững. Không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập.
Thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thương hiệu uy tín của sản phẩm, dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe, và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Từ đó các doanh nghiệp có sự chủ động, thích ứng nhanh trong hồi phục và phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia và tham gia tích cực hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp, chủ trì các bộ ngành có liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
"Phấn đấu đến 2030 Việt Nam có trên 1000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam góp phần khẳng định Việt Nam có hàng hoá và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Chúng ta tin tưởng rằng hai tiếng Việt Nam gắn với sản phẩm, dịch vụ, uy tín, chất lượng cao ngày càng phát triển và góp phần củng cố vững chắc vị thế, uy tín trên trường quốc tế." Thủ tướng nhấn mạnh.