Còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Bảy, 17/08/2024, 07:35

Trong nửa đầu năm 2024, bức tranh thương mại Việt Nam - Trung Quốc chứng kiến nhiều gam màu sáng. Xuất nhập khẩu (XNK) đều có sự phục hồi mạnh mẽ, do vậy, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu (XK) hàng hóa sang thị trường Trung Quốc còn nhiều triển vọng tăng tốc, nhờ cầu tiêu dùng theo thông lệ tăng cao dịp cuối năm, tập trung vào nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế.

Đơn hàng xuất khẩu tăng

Theo số liệu mới công bố của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2024, ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với trị giá 546 tỷ USD. Trong các nước ASEAN, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 7 tháng tăng mạnh nhất (24,1%). Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng nhập khẩu trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông - thủy sản.

2706_img_0988.jpg -0
Xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.

Bộ Công Thương thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn hàng XK của nước ta với nhiều ngành hàng đang phục hồi mạnh mẽ. Lượng đơn đặt hàng XK mới tháng 7 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%),  cao su (173 triệu USD, tăng 124%)… Đây là tốc độ tăng nhanh nhất so với các tháng kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng trưởng của các ngành hàng chủ lực kể trên trong tháng 7 phản ánh đơn hàng cải thiện thấy rõ, nhất là các nhóm hàng này đều đóng góp kim ngạch XK hằng năm rất lớn.

Với hơn 1 tỷ USD thu về từ XK sang thị trường Trung Quốc (số liệu 6 tháng), mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng 48% so với cùng kỳ. Đây là sự phục hồi ấn tượng, bởi năm ngoái mặt hàng này giảm 20,6%. Còn máy ảnh, quay phim và linh kiện đạt 2,43 tỷ USD, tăng 85%; hàng rau quả gần 2,2 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép gần 950 triệu USD, tăng 8,7%...

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch XNK của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, XK của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; NK của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc  có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.

 "Tận dụng những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và các chính sách thúc đẩy giao thương, tạo thuận lợi thương mại, XNK 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc trong nửa đầu năm phục hồi ấn tượng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam. Những tháng gần đây, đặc biệt tháng 6 và 7, đơn hàng từ Trung Quốc có sự cải thiện rõ rệt nhờ hồi phục về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động đáng kể vào số liệu XK với bức tranh tăng trưởng ấn tượng", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.

Đơn hàng XK tăng cũng cho thấy kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được khách hàng Trung Quốc tin tưởng, nhất là với nông sản, vốn bị kiểm tra gắt gao về mã số vùng trồng, đóng gói và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Về mặt hàng, Việt Nam XK sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và NK từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày.

Triển vọng khả quan

Theo Tổng cục Hải quan, các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng NK trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản. Đặc biệt, thị trường tỷ dân này tiếp tục tăng cường NK các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối... Được biết, đến nay, có 12 mặt hàng rau quả; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại được XK chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị XK sang thị trường này tăng trưởng tốt.

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho dừa tươi của Việt Nam. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn và chi phí thấp, nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch XK với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường yêu thích nhất. Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu XK chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp XK hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư XK dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 - 400 triệu USD/năm từ thị trường này.

Nhận định về những tháng còn lại của năm 2024, Bộ Công Thương dự báo, tốc độ NK hàng hoá nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng mạnh hơn so với XK để phục vụ đơn hàng XK mà doanh nghiệp đã ký kết với nhiều thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Đây là cơ hội tốt để hàng hóa Việt thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường này.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực và nước này ban hành nhiều chính sách về quản lý XNK, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để NK. Trong bối cảnh, Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến cho nhiều mặt hàng thế mạnh vào thị trường Trung Quốc thì những chính sách "mở" như vậy là tín hiệu tốt, đáng mừng.

Đặc biệt, hiện nay phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung NK tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu. Riêng đối với lĩnh vực nông sản, hiện nay, các cơ quan chức năng 2 bên đã và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam XK sang Trung Quốc. Khi mở cửa cho hai mặt hàng này XK chính ngạch, kim ngạch XK sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Lưu Hiệp
.
.
.