Cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thế giới. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam có cơ hội phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu trong những ngày đầu năm mới có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng nhiều DN vẫn thận trọng, chưa dám nhận nhiều đơn hàng…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm thực thi các DN Việt Nam cũng đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3%. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều DN tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Trong năm qua, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để xuất khẩu trong năm 2022 khả quan hơn, các DN cần tận dụng 15 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP”.
Cũng theo ông Thiện, Chính phủ đã thực hiện mạnh mẽ các chính sách, pháp luật, quy định để khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu cũng dễ dàng hơn về thủ tục, hồ sơ… Như tại TP Hồ Chí Minh, năm 2020, hàng xuất khẩu phân theo “luồng xanh” chiếm hơn 70%,“luồng đỏ” chiếm 3%, nhưng sang năm 2021 tỷ lệ “luồng xanh” lên đến 80%, “luồng đỏ” còn 2%. Cơ quan Hải quan cũng đã tạo thuận lợi hết sức cho DN xuất khẩu.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các đối tác quốc tế đánh giá cao, đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho DN Việt Nam. Theo ghi nhận từ các DN thành viên của Hiệp hội cho thấy, tín hiệu xuất khẩu rất khả quan ngay từ những ngày đầu năm mới 2022”. Tuy nhiên, theo bà Chi, mặc dù DN nhận được rất nhiều đơn hàng nhưng cũng rất thận trọng, thậm chí nhiều DN từ chối bớt bạn hàng vì lý do cước phí vận tải tăng quá cao.
Đơn cử, cước phí từ Việt Nam đi Mỹ trước đây chưa tới 2.000 USD/container, vận chuyển 28 ngày đến nơi. Hiện nay giá tăng lên 13.000 - 15.000 USD/container, thời gian vận chuyển gần 3 tháng; Cước phí đi Nga 3.000 USD/container tăng lên 8.000 - 10.000 USD, thời gian vận chuyển hơn 3 tháng trong khi trước đây 25 ngày… Còn muốn có container rỗng và chỗ trên tàu thì DN phải đặt trước vài tháng.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN ngành gỗ là logistics. Hàng gỗ, nội thất thì cần lượng lớn container, nhưng hiện nay giá container quá cao và cũng thường xuyên bị thiếu container nên hàng không xuất được khiến tồn kho tăng.Vì vậy, nhiều DN trong ngành không dám nhận đơn hàng trong bối cảnh này.
Nhìn chung, chỉ trong vòng 2 năm qua chi phí vận tải biển đã tăng hơn 10 lần, gây áp lực lên các DN xuất nhập khẩu. Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: Thực tế, các công ty logistics tại Việt Nam hiện chỉ mới cung cấp các dịch vụ phổ thông, cơ bản. Trong khi 65% hàng hóa nhập khẩu và 73% hàng hóa xuất khẩu được thực hiện bởi DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hầu hết các gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế, còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, cần tạo cơ chế đặc biệt cho DN Việt Nam dẫn dắt thị trường để giảm chi phí logistics, giúp ngành logistics Việt Nam phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa trong nước, đáp ứng nhu cầu logistics ngày càng cao không chỉ của thị trường trong nước mà còn thu hút sự quan tâm và sử dụng của DN FDI.