Cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ qua thương mại điện tử
Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, Mỹ là thị trường tiềm năng và đang phát triển rất tích cực. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với sức mua cao, đồng thời là thị trường có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô.
Cùng với đó, với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) được doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ đưa hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu (XK) vào Mỹ một cách nhanh và thuận tiện nhất.
Bà Nguyễn Hoàng Việt Trang, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Amazon, năm 2022 TMĐT sẽ tăng trưởng gấp 6 lần tốc độ bán hàng tại cửa hàng. Với mô hình XK truyền thống, một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng phải qua rất nhiều khâu, bắt đầu từ nhà sản xuất đến nhà XK - nhà nhập khẩu - đơn vị bán sỉ - bán lẻ, cuối cùng mới đến tay khách hàng.
Nhưng với TMĐT, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ cần từ cần nhà sản xuất và qua một trung gian là đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này chứng tỏ TMĐT đã giúp rút ngắn thời gian tối đa, tối ưu hóa phản hồi của khách hàng với các sản phẩm của nhà cung cấp. Hiện theo thống kê, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, bèo, cói trang trí nhà cửa rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Hoặc sản phẩm mi giả được làm handmade tại Việt Nam. Tất cả những sản phẩm này đều xuất phát từ các DN nhỏ đến rất nhỏ, từ các làng nghề Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặt hàng may mặc của Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Bởi những sản phẩm này có khả năng tận dụng tốt cơ hội trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới, bởi xu hướng của người tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Úc đang hướng đến những sản phẩm có giá trị thân thiện môi trường, thân thiện với sức khỏe, những sản phẩm không biến đổi gen, những sản phẩm đến từ những đất nước đem lại trải nghiệm mới cho họ. Đó là lợi thế của sản phẩm Việt Nam.
Ông Vũ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, hiện nay có 2 nhóm ngành đó là hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ là những mặt hàng chúng ta có lợi thế sẵn có về nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công hơn các nước khác, có thể tiếp tục phát triển để đẩy mạnh vào Mỹ.
Trên thực tế, sau gần 1 năm phát triển hệ thống TMĐT với Amazon vào thị trường Mỹ, Sunhouse thấy được rằng, muốn phát triển thị trường vào Mỹ, DN cần tìm hiểu rõ ngành nào, nhóm sản phẩm nào phù hợp để đưa vào Amazon. Đồng thời là phải phân tích xu hướng thị trường và lựa chọn hàng có lợi thế về thuế suất. Bởi, trong gần 2.000 sản phẩm của tập đoàn, nhưng Sunhouse chỉ chọn 4 sản phẩm trong số đó để tấn công vào thị trường Mỹ qua kênh Amazon. Bởi chênh lệch thuế xuất là một trong những yếu tố "sống còn" của các DN nếu như muốn cạnh tranh và giành thị phần tại một thị trường lớn và rộng mở như Mỹ.
Mới đây, chia sẻ về việc tận dụng cơ hội từ TMĐT để XK, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, qua 3 năm hoạt động tại Việt Nam, đội ngũ Amazon Global Selling đã sát cánh cùng với rất nhiều DN, các nhà sản xuất, những chủ thương nghiệp, những nhà bán hàng cá nhân trong công cuộc đưa những sản phẩm "Made-in-Vietnam" ra quốc tế.
Thời gian qua, có rất nhiều DN, thương hiệu đã đưa được sản phẩm nông sản Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành công lên trên sàn TMĐT Amazon. Đơn cử như câu chuyện của Rong nho Trường Thọ, từ một sản phẩm rất đặc thù ở Việt Nam trở thành sản phẩm top bán chạy của Amazon toàn cầu và được đưa vào danh sách Amazon lựa chọn dành cho thị trường Mỹ. Từ một DN nhỏ, với sự cố gắng không ngừng để thành công, anh Trần Văn Tươi - người sáng lập ra thương hiệu Rong nho Trường Thọ đã tự mình đưa DN đạt doanh thu hàng triệu USD.
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cũng cho biết, để bán hàng vào Mỹ, Trà Vinh Farm đã đưa các sản phẩm mật hoa dừa bán trên Amazon, và được thị trường đón nhận. Không chỉ bán tại thị trường Mỹ, mà tại Nhật Bản và EU cũng được ưa thích. Năm nay, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Sokfarm sẽ từ 10% lên 30%.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN bắt kịp xu hướng phát triển TMĐT, tận dụng những ưu thế để xuất khẩu xuyên biên giới. Theo dự báo của Amazon Global Selling, doanh thu XKTMĐT B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới. Dự báo giai đoạn 2022-2025 TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào TMĐT xuyên biên giới, các DN cần phải có hiểu biết rất rõ về các quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế…
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trong thời gian tới, dư địa để hàng Việt vào thị trường Mỹ là rất lớn, để thâm nhập bền vững vào thị trường này, Bộ Công Thương cho rằng, các DN trong nước cần lưu ý về điều tra, khảo sát sức mua, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Mỹ để xác định đích đến của các sản phẩm của mình là thị trường nào, từ đó có những kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tìm hiểu và nắm vững những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách thương mại, ưu đãi thuế quan và thị hiếu tiêu dùng tại các quốc gia châu Mỹ, tránh tình trạng bị trả lại hàng vì lý do kỹ thuật hoặc không được hưởng ưu đãi thuế quan vì không đáp ứng đủ điều kiện. Trong đó, đặc biệt chú ý tới quy trình thanh toán và vận chuyển quốc tế.