Cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Singapore

Thứ Sáu, 25/02/2022, 09:22

Trong năm 2021, trước tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore vẫn đạt 8,3 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2020. Đặc biệt, ngay trong tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp (DN) Việt trong việc tiếp cận, mở rộng, chinh phục thị trường này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thâm nhập thị trường qua sàn thương mại điện tử

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore ngày càng tăng trưởng tích cực. Tính đến tháng 2/2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Đây là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án.

Đặc biệt, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia vào 18/21 ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Singapore đã có dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Singapore -0
Giới thiệu hàng Việt tại Singapore.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Singapore là một thị trường tương đối nhỏ nhưng là một thương cảng tự do lớn, gần như không có hạn chế nào về nhập khẩu. Đây cũng là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, thương mại, logistics lớn của Đông Nam Á và toàn cầu. Hiện nay, hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore đều được miễn thuế, trừ một số mặt hàng như ôtô, xăng dầu, rượu và thuốc lá. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hoá. Dù khoảng cách địa lý giữa Singapore và Việt Nam không xa nhưng chưa nhiều mặt hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể thâm nhập vào quốc đảo này.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, hiện nay, xuất khẩu (XK) hàng hoá vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, các DN Việt Nam còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các DN Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Singapore qua các sàn thương mại điện tử. Đây là kênh tiếp cận dễ nhất đối với DN Việt Nam cũng như là một hình thức huấn luyện chuyển đổi số cho DN với chi phí thấp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị trường này đang có rất nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động như Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay… Hầu hết các sàn thương mại điện tử đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm. Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch thương mại điện tử là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập thị trường hoặc thử thị trường, thị hiếu, gu của người tiêu dùng Singapore thông qua thương mại điện tử. Do đó, DN Việt Nam có thể tự thành lập công ty ở Singapore hoặc tìm nhà nhập khẩu Singapore để tự làm các thủ tục, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử.

Tận dụng cơ hội từ FTA

Việt Nam và Singapore là hai nước trong khối ASEAN cùng ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trong đó, theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Singapore (EUSFTA), phía EU dành cho Singapore hạn ngạch XK 2.500 tấn thực phẩm, con số này đối với hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và Vương quốc Anh (UKSFTA) là 500 tấn. Cho đến nay, lượng hàng XK của Singapore vào các thị trường này vẫn chưa đạt được các hạn ngạch trên. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với nhãn hiệu của Singapore hoặc các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu từ Việt Nam sản xuất cho các sản phẩm của Singapore vẫn được hưởng miễn thuế vào các thị trường trên.

Do đó, Singapore và các DN sản xuất tại đây có sự quan tâm lớn đến nguồn cung hàng hóa của Việt Nam, tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc xuất xứ cộng gộp của các hiệp định đã ký kết.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, DN Việt Nam và Singapore cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai nước đã tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thúc đẩy DN hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Theo ông Ngô Chung Khanh, về FTA giữa Việt Nam với EU và Anh, FTA giữa Singapore với EU và Anh, FTA Việt Nam với EU loại bỏ các dòng thuế từ 3-7 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, dài hơn so với thời gian 3 năm của FTA Singapore - EU.

Đối với FTA Việt Nam - Anh tương đương FTA Singapore – Anh bởi cả EU và Anh đều không áp dụng hạn ngạch thuế quan và quy tắc cộng gộp với thực phẩm chế biến từ Việt Nam. Vì vậy, DN Việt Nam và Singapore có thể hợp tác sử dụng hạn ngạch thuế quan về sản phẩm thực phẩm chế biến mà EU, Anh đã cấp cho Singapore; hợp tác tạo ra chuỗi giá trị theo phương thức sản xuất thiết bị gốc để mở rộng XK sang nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, DN hai nước có thể hợp tác để tạo sự hiện diện thương mại, chế biến thực phẩm để XK.

Ghi nhận những thành tựu hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Singapore thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực để thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, đóng góp vào việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số; hợp tác về thương mại thông qua các sàn giao dịch hàng hóa của Singapore, nhất là sàn giao dịch hàng nông sản của Singapore. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý việc tận dụng các FTA mà hai nước tham gia; trong đó khuyến khích DN hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, viễn thông, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản để đẩy mạnh XK sang các nước thuộc khối CPTPP và RCEP.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 24-26/2 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tạo ra xung lực mới trong quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực, đi vào triển khai.

Lưu Hiệp
.
.
.