Cơ hội để nâng cao giá trị hạt muối Việt Nam

Chủ Nhật, 02/03/2025, 07:30

Nghề làm muối ở Bạc Liêu có lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển. Trải dài hàng chục kilômét từ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (giáp ranh huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), hàng trăm cánh đồng muối thể hiện sức lao động bền bỉ của diêm dân đã trở thành biểu tượng văn hóa, bản sắc truyền thống của vùng đất nơi đây.

Nghề sản xuất muối Bạc Liêu vốn nổi danh với tên "Muối Ba Thắc" là một thương hiệu muối nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân, trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển từ thời Pháp thuộc đến nay. Mặc dù có nhiều đổi thay theo thời gian, nhưng những làng nghề làm muối Bạc Liêu hiện vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, phương pháp sản xuất độc đáo.

Cohoi_1-1740875457372.jpg
Diêm dân huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) đang sản xuất muối trải bạt.

Ông Phan Chí Tâm (diêm dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) gắn bó với nghề cha truyền con nối này đã hơn 30 năm thăng trầm với hạt muối. Có năm được mùa thì mất giá, năm giá cao thì mất mùa. Ông Tâm kỳ vọng cho mùa muối năm nay. Với 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước; sản lượng hằng năm đạt trên 15.000 tấn. Muối sản xuất tại Bạc Liêu có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat... rất thấp, không gây đắng chát, trong khi hàm lượng natriclorua rất cao. Điều này làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

Năm 2013, muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2020, "Nghề làm muối ở Bạc Liêu" được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… nhưng đời sống của diêm dân vẫn còn nhiều khó khăn và diện tích làm muối giảm dần. Muối Bạc Liêu không chỉ được nhiều người ưa chuộng, sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mặc dù được công nhận chỉ dẫn địa lý, công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng diêm dân chưa thể giàu lên từ muối. Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, thời gian qua, các địa phương đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh, mương, giúp việc dẫn nước vào ruộng muối của diêm dân được thuận lợi cũng như có thể vận chuyển muối đến nơi tiêu thụ được thuận tiện, nhanh chóng.

Năm 2024, việc sản xuất muối thuận lợi nhờ nắng nóng kéo dài, giúp cho người làm muối gia tăng thu nhập. Sản lượng muối toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn; năng suất trung bình đạt gần 48 tấn/ha đối với sản xuất muối truyền thống và trên 74 tấn/ha đối với muối trải bạt. Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng trải bạt, nhất là đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập của diêm dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để bảo tồn, nâng tầm giá trị hạt muối, phát triển nghề muối theo hướng bền vững, tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ NN&PTNN tổ chức Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 "Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người" với chủ đề "Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam". Theo đó, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 diễn ra từ 6 đến 8/3 tại TP Bạc Liêu và huyện Đông Hải. Đây là sự kiện được kỳ vọng không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối truyền thống mà qua đó giới thiệu ngành muối cả nước và tỉnh Bạc Liêu đến nhiều quốc gia nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Quan trọng nhất là nâng cao giá trị của hạt muối, giúp diêm dân có cuộc sống sung túc hơn và làm giàu từ nghề sản xuất muối…

V.Đức - N.Khang

.
.
.