Chuyên gia tiếp tục đề xuất luật hóa Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Cho rằng nợ xấu không phải chỉ xuất hiện trong giai đoạn kinh tế khó khăn, mà nó là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng, nên các chuyên gia đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Đánh giá về vai trò của Nghị quyết 42/NQ-CP về xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 42 có vai trò hết sức quan trọng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tiến trình xử lý nợ xấu thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ đã kiến nghị với Quốc hội kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, nhìn vào số liệu mà các TCTD thực hiện vừa qua nếu không có dịch COVID-19 thì Nghị quyết 42 đã “hoàn thành sứ mệnh” và các TCTD cũng sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ có kế hoạch sửa đổi Luật các TCTD phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
“Các doanh nghiệp hiện nay đang cố gắng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, “vượt qua chính mình” để duy trì, ổn định, từng bước phát triển. Chính điều này tình hình nợ xấu trong thời gian tới sẽ được cải thiện, ở mức đạt mục tiêu mà NHNN đặt ra”, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.
Tính toán về số liệu nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 6%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn thời gian sắp tới, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, so với quốc tế, việc luật hóa nợ xấu ở Việt Nam quan trọng hơn nhiều. Nguyên nhân là ở nước ta, đa số các quan điểm hiện nay ủng hộ bên đi vay nhiều hơn bên cho vay, tức là mối quan hệ không được bình đẳng, cho nên mỗi khi xử lý nợ xấu đưa ra tòa, TCTD thường được coi là bên có lỗi.
“Tôi hay nói vui với anh em, đây giống như coi bên đi vay là người đi bộ còn bên cho vay là người đi ôtô, kiểu gì ông cũng có lỗi. Tư duy đó tôi nghĩ là phải thay đổi. Nếu không chúng ta không giải quyết được câu chuyện xử lý nợ xấu”, TS. Lực chỉ ra thực tế.
Do đó, Kinh tế trưởng BIDV đã chỉ ra một số lý do cần luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Thứ nhất, ông Lực cho rằng Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua, nhờ đó bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt. Đặc biệt, nếu không có dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và 2021 thì "sứ mệnh" của Nghị quyết 42 đã đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành cuối năm 2020.
Lý do thứ hai, TS. Cấn Văn Lực cho rằng trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn tồn đọng một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu phải thực hiện trước 31/12/2023. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.
Thứ ba, vị chuyên gia nhận định nợ xấu liên tục xảy ra, không phải chỉ xuất hiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn do đó cần phải có một khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, không để nợ xấu cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.
Thứ tư, ông Lực cho rằng việc luật hoá Nghị quyết 42 góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Cuối cùng, việc luật hoá Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó giúp tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống TCTD, các bên liên quan cũng như phát triển nền kinh tế.
Cũng đề xuất cần luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị: “Ngân hàng, các TCTD cũng là doanh nghiệp, họ là doanh nghiệp đặc biệt, họ kinh doanh mặt hàng đặc biệt là tiền, cần đối xử công bằng, đúng như các doanh nghiệp”.
Cũng theo chuyên gia này, để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho xử lý nợ xấu, ngoài luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42, cần mở rộng thêm một số vấn đề như: Vai trò của VAMC; vấn đề phá sản doanh nghiệp; thị trường mua bán nợ...