Chuyên gia hiến kế để gia tăng xuất khẩu hàng hoá thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA

Thứ Sáu, 25/11/2022, 15:01

Tại Toạ đàm Xuất khẩu hàng hoá với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/11, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, nên mở rộng diện hàng hóa có thương hiệu Việt Nam thay gia tăng bằng số lượng thương hiệu Việt. Việc này đồng nghĩa nâng cao chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm mang thương hiệu Việt để tăng thêm sức nặng cho hàng Việt tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” để gia tăng hợp tác và giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Nguyên nhân bởi doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu chưa được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế cũng là những điểm hạn chế mà doanh nghiệp cần cải thiện trong thời gian tới.

Chuyên gia hiến kế để gia tăng xuất khẩu hàng hoá với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA -0
Toàn cảnh toạ đàm.

Để hàng hoá với thương hiệu Việt thâm nhập vào thị trường EU được nhiều hơn, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho rằng, bên cạnh vai trò hỗ trợ của cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp phải có sự đầu tư mới có thể xâm nhập được thị trường bởi không thể đi bằng phương tiện thô sơ trên đường cao tốc.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng nên tổ chức thêm các khoá đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất và đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn của EU đặt ra.

Nhấn mạnh về những giải pháp hỗ trợ đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nói chung cũng như là thị trường xuất khẩu nước ngoài nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những nhóm, mặt hàng đủ năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu để ưu tiên đẩy mạnh trọng tâm hỗ trợ. Qua đó xây dựng được những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển thương hiệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nhiều hơn để cùng nhau phát triển những thương hiệu cho những nhóm sản phẩm, thay vì cạnh tranh lẫn nhau như như hiện nay.

Lưu Hiệp
.
.
.