“Chuyển đổi số” nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ Tư, 23/10/2024, 23:04

Những năm gần đây, việc sử dụng mạng trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến… đã và đang là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số. Ở Thanh Hoá, các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) cũng đang được “số hoá”, nâng tầm giá trị, lan tỏa thị trường trong và ngoài nước.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hoá, tính đến ngày 30/8/2024, toàn tỉnh có 492 sản phẩm OCOP được công nhận (trong đó có 464 sản phẩm công nhận mới và 28 sản phẩm đánh giá, công nhận lại của giai đoạn 2019-2020), gồm: 445 sản phẩm hạng 3 sao; 46 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm 5 sao của 379 chủ thể OCOP (66 doanh nghiệp, 115 HTX, 10 tổ hợp tác, 188 hộ sản xuất, kinh doanh)...

438097930_460099973065323_2430365180442578500_n.jpg -0
Về lâu dài, cần chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP.

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và thành phố đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để đưa các sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể đăng tải thông tin, nguồn gốc sản phẩm OCOP trên một số website như: ocoptinhthanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn và trên nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok…

Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo các gian hàng để bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, shopee, lazada, alibaba... Đồng thời, phối hợp tổ chức phiên livestream “Chợ phiên OCOP Thanh Hóa” để giới thiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh nhà. Hiện đã có hơn 100 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Tiêu biểu như các sản phẩm: Nước mắm, mắm tôm; rượu Sâm; nem ống; gạo sạch; măng khô.

Sau nhiều đợt tập huấn về chuyển đổi số do ngành nông nghiệp và các sở, ngành tổ chức, HTX dịch vụ và thương mại Ong mật Cẩm Thủy (xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy) đã phân phối sản phẩm qua các kênh như: langnghethanhhoa.vn; nongsanantoanthanhhoa.vn và các sàn thương mại điện tử khác… Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay việc tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng số đã giúp HTX gia tăng lượng hàng hóa, giảm các chi phí như lao động, đại lý, nhà phân phối, lợi nhuận cũng tăng từ 15 - 20%. Thông qua nền tảng số, HTX không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Ông Trương Việt Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc, đánh giá: Ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tăng tính lan tỏa, tạo thế cạnh tranh công bằng, khách quan vừa quảng bá được sản phẩm của địa phương, vùng miền vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Toàn huyện Thiệu Hoá hiện có 30 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 23 sản phẩm 3 sao. Để các sản phẩm OCOP của địa phương “vươn xa”, cùng với việc “số hoá” các sản phẩm, huyện Thiệu Hoá đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với chuỗi siêu thị The City ở 5 huyện (Thiệu Hoá, Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Hậu Lộc và Quảng Xương).

Ông Lê Phú Quốc - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, để các sản phẩm OCOP lan tỏa ra thị trường rộng lớn, huyện Triệu Sơn đang xây dựng sàn thương mại điện tử cấp huyện, giới thiệu, quảng bá 30 sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương. Bước đầu, huyện tài trợ toàn bộ việc gắn tem, mác truy xuất sản phẩm cho các chủ thể, động viên, khuyến khích các chủ thể đưa sản phẩm lên mạng để quảng bá…

Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hoá tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Đây được xem là nền tảng, tạo bước đi vững chắc và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Đặc biệt, sau khi kết nối tiêu thụ qua nền tảng số, một số chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các công đoạn sản xuất, chế biến của mình, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm.

Từ kết quả đạt được cho thấy, chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới.

Tuy vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ ra một thực tế, dù sản phẩm OCOP được công nhận vượt kế hoạch được giao, nhưng sản phẩm chủ yếu là 3 sao, sản phẩm đạt 4 sao còn ít, chưa có thêm nhiều sản phẩm 5 sao... Đáng chú ý, phần lớn hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình OCOP có năng lực sản xuất nhỏ lẻ, trình độ và kiến thức quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường. Nhiều chủ thể chưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, chủ yếu là sản xuất bán thủ công và thủ công. Cùng với đó, chưa quy hoạch xây dựng được vùng nguyên liệu để đảm bảo chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa; chưa có tính sáng tạo để có những sản phẩm OCOP mới, nhiều sản phẩm có tính tương đồng cao, bao bì mẫu mã thiếu tính sáng tạo, chưa thu hút được khách hàng…

Thời gian tới, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh...

Trần Thắng
.
.
.