Chuyển đổi số để chống hàng giả

Thứ Sáu, 12/01/2024, 07:41

Tại Diễn đàn Chống buôn lậu, gian lận thương mại - uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, do VCCI tổ chức chiều 11/1, các ý kiến đều cho rằng không chỉ các cơ quan chức năng vào cuộc, mà bản thân các doanh nghiệp (DN) cũng như chính người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm gian lận thương mại, tăng 16% so với năm 2022, thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2022, giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự, tăng 35% so với năm 2022.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử, tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội,... thực sự đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Chuyển đổi số để chống hàng giả -0
Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ hàng giả.

Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng. Điển hình như vụ triệt phá kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook tại Hà Nội, Gia Lai; hay vụ thu giữ hàng nghìn sản phẩm trang sức mỹ ký thời trang được livestream bán trên mạng xã hội tại 3 cửa hàng ở Lào Cai; cũng như vụ kiểm tra chuỗi kinh doanh xe đạp điện của Công ty Hamachi, phát hiện hàng trăm xe vi phạm…

Buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại gây hệ lụy lớn cho cả DN, người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Đến từ công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Phỉ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SYA QUA ADN cho biết trong lĩnh vực sản xuất chất dinh dưỡng cho tôm, ốc, nếu DN vì cạnh tranh mà sử dụng bột lông vũ thủy phân 80% độ đạm, hoặc đạm bắp trích ly 75% độ đạm để độn vào viên thức ăn, lập tức độ đạm sẽ tăng cao, hậu quả là acid amin mất cân đối, con ốc, con tôm không có nguồn cung tạo ra chất chống oxy hóa, chống lại biến động môi trường, mầm bệnh. Khi người tiêu dùng ăn những sản phẩm tôm, ốc này, không những không tăng cường sức khỏe mà còn làm hại gan, thận, hệ miễn dịch của con người.

Tết Nguyên đán sắp tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Để đối phó với hàng giả, gian lận thương mại, nhiều DN cho biết họ đã chủ động khai dùng mã QR code để xác thực thông tin sản phẩm. Nếu là hàng giả, hàng nhái, khi quét mã QR code không có thông tin sản phẩm trên hệ thống.

Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina cho biết đã ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống hàng giả bằng cách tích hợp các công nghệ chống giả trên tem, bao bì, mã QR code và SMS, đồng thời sử dụng phần mềm Vinacheck để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, các DN cũng đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để phát hiện, ngăn chặn cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp làm giả, làm nhái các loại sản phẩm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khoẻ người tiêu dùng…

Hà An
.
.
.