Chuyển đổi số cần thực chất, không thể làm theo kiểu phong trào

Thứ Tư, 05/07/2023, 15:15

Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI” được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/7. Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam và Trung tâm Thông tin Truyền thông số phối hợp thực hiện.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số khẳng định: Chương trình chuyển đổi số quốc gia để triển khai cụ thể Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về Chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, trong đó, chuyển đổi số là một phương tiện chủ đạo, là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.

Những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng trong những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận trong một bối cảnh hiện thực còn nhiều những hạn chế, những rào cản, khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. Đồng thời, cũng phải nhận thức rõ, chuyển đổi số là phương tiện, mang tính tiến trình chứ không phải mục tiêu. Nếu không thấy rõ lợi ích thì không làm, làm đối phó hoặc làm theo kiểu phong trào. "Chuyển đổi số thực chất là một cuộc cách mạng tư duy; thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào tiến trình hoạt động; tạo đột phá giá trị, đưa đến đột phá năng suất; dữ liệu là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định; hành động đòi hỏi tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng", ông Giang nêu quan điểm.

Chuyển đổi số cần thực chất, không thể làm đối phó hoặc theo kiểu phong trào -0
Đông đảo các đại biểu tham dự Diễn đàn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số không phải sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Để chuyển đổi số bắt buộc phải có dữ liệu. Trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu là một loại tài sản quý, vô hình dù chưa bao giờ có trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chia sẻ câu chuyện các công ty Ấn Độ sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, từ đó đặt mua trước nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn, ông Triết đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự quan tâm hơn đến tài nguyên dữ liệu, trái tim của chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh...

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc VieON thì nhấn mạnh, vấn đề tư duy về an toàn dữ liệu. Theo ông Thủy, một trong yếu tố tiên quyết trong việc khai thác dữ liệu là cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ; xây dựng hệ thống dữ liệu đó bảo mật và sự tuân thủ các quy định về an toàn thông tin và dữ liệu. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ; trong đó, các doanh nghiệp cần triệt để tuân thủ theo Nghị định 13/2023/ND-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo cho rằng, để chuyển đổi số thành công, tổ chức và doanh nghiệp cần giải quyết tốt 6 vấn đề cốt lõi, trong đó có chia sẻ thông tin và mục tiêu để mọi người đều hiểu rõ về những gì đang diễn ra và tại sao chuyển đổi số là cần thiết; xây dựng lòng tin và cam kết để tất cả có thể hiểu và ủng hộ sự thay đổi. Từ đó, tạo mục tiêu, động lực để cùng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi...

Hùng Quân
.
.
.