Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu để tránh bị động khi nhập khẩu

Thứ Hai, 31/07/2023, 07:01

Việt Nam nắm giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu (XK) nhân điều trong nhiều năm liền, hiện chiếm hơn 75% lượng nhân điều XK của thế giới. Tuy nhiên, nghịch lý là nguồn nguyên liệu điều thô trồng ở trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% năng lực sản xuất, 80% nguồn nguyên liệu còn lại là nhập khẩu (NK)...

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trong 6 tháng đầu năm 2023 Việt Nam XK trên 279.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch XK khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 9,49% về lượng và tăng 7,65% về trị giáso với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá XK nhân điều bình quân chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, XK nhân điều vẫn tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản XK chủ lực, duy trì tăng trưởng dương và thuộc “nhóm mặt hàng có kim ngạch XK tỷ đô” trong 6 tháng đầu năm 2023.

Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu để tránh bị động khi nhập khẩu -0
Ngành điều xuất khẩu lớn nhưng giá trị không cao do nhập khẩu đến 80% nguyên liệu.

Thế nhưng đầu năm 2023, đã có không ít doanh nghiệp (DN) chế biến điều phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất vì ngành điều đã trải qua nhiều khó khăn, phần lớn đến từ yếu tố khách quan như: khủng hoảng địa chính trị (xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn); chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương, lạm phát toàn cầu, sức mua tại các thị trường trọng điểm thấp, người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm chi tiêu,…

Trong khi, XK điều nhiều năm liền nắm giữ vị trí số 1 thế giới nên nhiều DN đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng chế biến sâu. Ngoài sản phẩm truyền thống như hạt điều rang muối, hạt điều còn vỏ lụa rang muối..., thì nhiều sản phẩm mới đã được thị trường đón nhận tích cực như: hạt điều mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi, hạt điều sấy mè trắng, kẹo hạt điều... Do đó, tổng công suất chế biến của ngành điều quá lớn, cao gấp 4 lần sản lượng điều trồng trong nước. Các DN phải NK điều thô.

Do lo ngại thiếu nguyên liệu, trong nhiều năm liền các DN chế biến điều trong nước đã NK ồ ạt số lượng lớn nguyên liệu điều thô bất chấp sự tăng giá, nhiều khi số tiền bỏ ra để NK nguyên liệu lớn hơn cả giá trị XK. Như trong 6 tháng đầu năm 2023, các DN đã chi khoảng 1,8 tỷ USD để NK khoảng 1,44 triệu tấn điều thô nguyên liệu (tăng 19,79% về lượng và tăng 5,16% về trị giá so cùng kỳ), trong khi đó XK điều chế biến trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Do lượng điều thô NK lớn, trong khi nhu cầu mua giảm, nên nguyên liệu bị tồn kho lâu ngày khiến chất lượng giảm, dẫn đến giá XK điều chế biến thấp hơn giá thành sản xuất.

Từ trước đến nay nguồn nguyên liệu điều thô trồng ở trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% năng lực sản xuất, 80% còn lại là NK, chủ yếu nhập từ Châu Phi. Hiện nay nguồn nguyên liệu NK này cũng đang bất ổn, do các nước Châu Phi cũng mở nhiều nhà máy sản xuất hạt điều để XK, nên nguồn nguyên liệu từ Châu Phi NK về Việt Nam đã bị sụt giảm nghiêm trọng.

Nhiều DN đã tìm cách ổn định nguồn nguyên liệu bằng cách liên kết để đầu tư xây dựng vùng trồng điều trong nước. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Cục Trồng trọt - Bộ NN&PT NT, tổng diện tích trồng điều của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 320.000ha (giảm 2,3 ngàn ha so với năm 2022), trong đó diện tích cho sản phẩm là 300 ngàn ha (giảm 4 ngàn ha so với năm trước). Sản lượng dự kiến đạt 345 ngàn tấn điều (tăng 3,3 ngàn tấn so với năm trước). Như vậy, với năng suất điều bình quân tăng, tổng sản lượng điều thu hoạch dự kiến cả năm 2023 dự kiến tăng nhẹ so với năm 2022.

Theo VINACAS, Việt Nam là nước sản xuất điều lớn trên thế giới, sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, sản lượng điều của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và XK. Để tăng cường sản xuất điều, cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng đất đai, giống cây trồng và kỹ thuật canh tác. Để hỗ trợ ngành điều VINACAS kiến nghị Bộ NN&PTNT tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều.

Trong điều kiện khó gia tăng diện tích, đề nghị giải pháp hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào (bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn). Nông dân cần được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ để có thể sản xuất điều hiệu quả. Ngoài ra, đề nghị các bộ và các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường thông tin về thị trường, khách hàng, xu hướng tiêu dùng và các rủi ro về thương mại tại các thị trường nước ngoài và hỗ trợ DN ngành điều khi có những khó khăn không lường trước được có thể xảy ra.

T.Hà - H. Giang
.
.
.