Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão

Thứ Sáu, 16/12/2022, 08:05

Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này, các doanh nghiệp (DN), đơn vị vùng châu thổ Cửu Long đã chủ động đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường với giá bình ổn phục vụ Tết. Ngành Công thương các tỉnh, thành thực hiện nhiều giải pháp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN trên địa bàn ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD).

Theo ông Hứa Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ mua sắm Tết của người dân, đơn vị đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trong tỉnh để nắm tình hình, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa. Dự kiến tổng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 250 tỷ đồng. Các DN sản xuất, nhà phân phối, hộ kinh doanh còn chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đặc trưng ngày Tết, theo dự báo lượng hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, đảm bảo ổn định thị trường, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đáp ứng yêu cầu mua sắm đa dạng của người dân trong dịp Tết sắp tới…

sieu_thi-1671152762503.jpg
Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ dự trữ nguồn hàng dồi dào để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Quý Mão 2023.

Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, dự kiến tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 khoảng gần 55.000 tấn hàng hóa các loại, tổng trị giá khoảng trên 2.400 tỉ đồng. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, bánh, kẹo, rau, củ, quả... có sức tiêu thụ nhiều.

Ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty XNK Hữu Thành Phát (Tiền Giang) cho biết, so với năm trước, các loại thực phẩm, hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng từ 10% - 30% tùy theo sản phẩm. Trong đó, hàng hóa trong nước sản xuất tăng từ 10% - 15%, hàng nhập khẩu tăng từ 10% - 30%. Năm nay, công ty dự trữ hàng hóa Tết tương đương với năm trước. Đến thời điểm này, các nhà sản xuất cũng e dè trong việc sản xuất do lo ngại sức tiêu thụ của thị trường. Những hàng hóa không phải là thiết yếu thì đến thời điểm này chưa có sự chuyển biến, chủ yếu là bánh kẹo.

Theo kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết của UBND tỉnh Tiền Giang, năm nay, tỉnh có 10 DN đăng ký tham gia chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán theo chương trình bình ổn. Tổng giá trị hàng hóa tham gia dự trữ năm nay gần 454 tỷ đồng; trong đó hàng hóa thiết yếu là trên 120 tỷ đồng. Sở Công thương Tiền Giang đã làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho DN dự trữ cung ứng hàng hóa theo chương trình bình ổn giá.

Sở Công thương tỉnh Hậu Giang vừa có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bằng nguồn vốn tự cân đối, có 9 đơn vị, DN đăng ký tham gia công tác bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa ước đạt trên 332 tỉ đồng, giảm 15 tỉ đồng so với năm trước. Các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn chủ yếu là các nhóm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán: bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa tươi…

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, đến nay có 17 DN đăng ký tham gia bình ổn, tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 2.236 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (3 tháng cuối năm 2022) gần 1.000 tỉ đồng; giai đoạn 2 (3 tháng đầu năm 2023) trên 1.237 tỉ đồng. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống, giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp, tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 2.235 tỉ đồng; nhóm hàng do DN đề xuất (2 doanh nghiệp) các mặt hàng gồm khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và quần áo may mặc, tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 1.345 tỉ đồng.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Đặc biệt, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như: gạo, bánh kẹo, mứt, bột ngọt, đường, dầu ăn, nước mắm, nước tương, lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến luôn đảm bảo phục vụ người tiêu dùng. Thời điểm này, các DN đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng với giá bình ổn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão”.

UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Mục đích góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, nhất là tại các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ trên địa bàn… 

Đức Văn
.
.
.