Chi phí vận tải quá cao, doanh nghiệp không kịp “trở tay”
Ngày 12/8, trao đổi khẩn với đoàn công tác Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cho biết, mặc dù có đơn hàng, nhưng DN không thể xuất khẩu đi bởi không đủ năng lực sản xuất “3 tại chỗ”, không có đủ người vận chuyển hàng hóa, việc tắc nghẽn hàng tại cảng, tắc nghẽn tàu do phát hiện có ca F0, phải thực hiện giãn cách để chống dịch.
Hàng trăm nghìn tấn gạo có nguy cơ mốc, hỏng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu (XK), nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia và các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ. Bên cạnh vấn đề thực hiện giãn cách, vấn đề cước phí vận tải tàu biển đang là “nút thắt” lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Theo các doanh nhân XK gạo, do đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng khiến XK gạo đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là Cảng Cát Lái phải phong tỏa khu vực nhận gạo do phát hiện ca F0, ngưng giao nhận giao hàng từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục.
Lượng container ứ đọng tại cảng lớn; các tàu hàng buộc phải neo ở phao số 0, trong khi khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có cảng nước sâu, DN không thể đưa hàng lên tàu đúng tiến độ hợp đồng, dẫn tới lượng hàng tồn kho nhiều và DN còn chịu phạt hợp đồng do không giao hàng đúng theo hợp đồng…
“Trong tháng 7/2021, DN của chúng tôi cũng xin được 19 container, nhưng trong tháng 8 XK gặp không ít khó khăn vì thiếu nhân lực”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung cho biết, hiện Tân Long đang kẹt 1 lô gạo thơm cao cấp Jasmine tại cảng, hàng đang ở sà lan chưa thể bốc lên tàu do thiếu nhân lực và không có tàu nhận do thực hiện giãn cách. “Việc để hàng nằm tại sà lan ở cảng rất nguy hiểm, bởi hiện đang là mùa mưa, mưa nắng hàng ngày có thể làm gạo bị ẩm, mốc, hấp hơi, giảm chất lượng ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí bị khách hàng từ chối,” ông Nguyễn Chánh Trung nói.
Không riêng gì Trung An, Tân Long, hàng loạt doanh nghiệp XK gạo như Intimex, đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ, hàng trăm nghìn tấn gạo có nguy cơ mốc, hỏng vì kẹt lại tại cảng hoặc các kho của người trồng, do tiến độ thu mua của DN phải chậm lại bởi không thể xuất gạo đi.
Theo ông Phạm Thái Bình, hiện đơn hàng XK vẫn có, nhưng cước vận chuyển quá cao nên người mua và người bán vẫn không dám ký kết. Nhiều doanh nhân trong lĩnh vực XNK cũng cho biết: Cước vận tải thời gian gần đây tăng vô tội vạ, 500-1.000 USD/lần điều chỉnh, thậm chí tăng đột biến đến 2.000- 3.000 USD/lần khiến nhiều DN không thể “trở tay”. Trị giá lô hàng XK nông sản không lớn như những mặt hàng khác, sự tăng giá vô lý của các chủ tàu khiến nhiều DN có đơn hàng cũng đành ngậm ngùi để mất, không dám đặt bút ký.
Bên cạnh đó, có những DN không đáp ứng được về volume (trọng lượng hàng hoá) nên không thể ký được trực tiếp với chủ hãng tàu, phải “chạy vòng” qua các forwarder (nhà cung cấp dịch vụ logistics thuộc bên thứ 3 - PV). Điều này khiến mỗi container hàng hóa sang Mỹ bị “đội" lên tới 15.000 USD, thậm chí 18.000 USD/container. Thực tế container và tàu không khan hiếm đến như vậy, các hãng tàu "bắt tay" nhau để tăng giá vì họ độc quyền.
Đề nghị cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tình hình khó khăn hiện nay, cần sự hỗ trợ về chính sách cho vay từ phía Ngân hàng Nhà nước để việc thu hoạch, tiêu thụ lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng, thuận lợi, XK gạo được thông suốt. Nhiều DN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho DN được vay vượt hạn mức tín dụng đã cấp để thu mua lúa gạo vụ hè thu; trong đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về cho vay thế chấp bằng lúa gạo thu mua của DN.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, đối với ngành lúa gạo xin được ngân hàng hỗ trợ giảm 1-2%, đây là điều các DN rất cần trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung cũng cho biết, về vấn đề tàu hoặc container không đáng ngại, bởi hoạt động trong lĩnh vực XNK, DN có thể đàm phán được. Tuy nhiên, hiện nay DN đang rất cần được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Do vậy, DN rất mong Chính phủ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các Ngân hàng TMCP chỉ cần giảm thêm 1-2% vốn cho vay là DN có thể thu mua lúa gạo hỗ trợ dân.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về tình hình tín dụng cho lúa gạo nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng luôn tăng trưởng cao hơn nhiều so với tín dụng chung. Một số địa phương có dư nợ cho vay lúa gạo cao như An Giang, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang. Ngành ngân hàng cam kết luôn sẵn sàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho lĩnh vực lúa gạo, nhưng việc cho vay cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cấp tín dụng theo quy định.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các khó khăn, vướng mắc hiện nay về tiêu thụ, XK gạo, thu mua lúa gạo cho nông dân không phải do vấn đề về vốn mà phải giải quyết được khó khăn mấu chốt là vấn đề vận chuyển, tiêu thụ, XK. Do đó, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các địa phương cần kịp thời tháo gỡ cho các DN. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong tình hình XK gạo khó khăn hiện nay, để hỗ trợ bà con nông dân tại ĐBSCL tiêu thụ lúa gạo, Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh nào khó khăn, vướng mắc cần có kiến nghị để Bộ hỗ trợ. Việc tháo gỡ khó khăn phải làm lần lượt.
Trước tình trạng XK gạo đang gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách và do giá cước tàu biển, container tăng cao bất hợp lý, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có văn bản trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ DN gỡ những nút thắt này. Theo đó, VFA đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cùng các cơ quan chức năng có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy.
Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, lúa gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ, do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân XK gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng XK.