Chạy đua tuyển dụng lao động

Thứ Hai, 30/05/2022, 07:27

Theo con số của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 5, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 90 – 120 nghìn lao động. Thế nhưng, dù huy động nhiều kênh, không ít doanh nghiệp vẫn không thể tuyển dụng đủ chỉ tiêu.

Để tìm được nguồn nhân lực chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã phải chủ động mời gọi bằng nhiều hình thức hấp dẫn, có thêm các chế độ đãi ngộ. Đối với những doanh nghiệp cần lao động giản đơn, tuyển dụng đã khó; đối với những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, để tuyển được người càng khó hơn.

Doanh nghiệp “khát” lao động

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm mảng truyền thông ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyên về bất động sản, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (38 tuổi, đường Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) dù chưa đi làm trở lại sau khi sinh con thứ 2, nhưng dường như tìm một công việc mới với chị không quá áp lực. Chị Trang cho hay, khi chuẩn bị sinh con thứ 2, do công việc cũng nhiều mệt mỏi, nên khi nghỉ sinh con chị cũng xin nghỉ làm luôn. Chị dự định sau khi con cứng cáp một chút sẽ đi làm trở lại.

“Hiện bạn bé cũng đã được 8 tháng tuổi nên tôi cũng quyết định đi làm trở lại. Cũng đã có một vài nơi chấp nhận hồ sơ, nhưng đặc thù công việc của chúng tôi rất vất vả. Chính vì thế tôi cũng đang cân nhắc với mong muốn được làm việc ở doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định để lo cho các con”, chị Trang nói.

Cân nhắc lựa chọn công ty làm việc là tâm lý của không ít lao động có trình độ hiện nay. Chính vì thế, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trình độ đang phải chủ động thu hút người lao động bằng nhiều hình thức. Anh Nguyễn Đức Trung, phụ trách tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH Tech Solutions Việt Nam (đơn vị chuyên về cung cấp các giải pháp công nghệ) cho hay, để bù đắp một số nhân viên đã chuyển việc, đồng thời để đáp ứng được việc mở rộng thị trường tại hai điểm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, công ty anh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 50 nhân viên cùng một số vị trí chủ chốt. Nhưng hơn 1 tháng qua, việc tuyển dụng vẫn chưa hoàn thành.

“Thực tế thì mảng công nghệ nguồn nhân lực không phải là ít. Tuy vậy tuyển dụng vẫn luôn khó khăn. Đặc biệt tuyển được những bạn có chút kinh nghiệm đáp ứng được nhu cầu công việc ngay lập tức là không dễ dàng. Để thu hút được lực lượng này, ngoài lương và các chế độ phúc lợi tốt còn phải có môi trường làm việc tốt nữa. Bên cạnh mức lương khoảng 15 – 17 triệu đồng/tháng, chúng tôi phải cam kết với ứng viên nhiều chế độ phúc lợi khác để nhằm thu hút người lao động. Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp mảng này ra đời, các doanh nghiệp nước ngoài cũng vào nhiều dẫn đến cạnh tranh nhân lực rất gay gắt”, anh Trung cho biết.

Trong khi đó, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động trình độ thấp hơn cũng gặp không ít khó khăn. Đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 lao động, đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty cổ phần May xuất khẩu Tiến Đạt cho hay, để sớm tuyển đủ người, ngoài mức lương từ 7 – 8 triệu đồng/tháng, công ty còn cam kết: Thưởng cuối năm từ 2 – 3 tháng lương hỗ trợ thêm cho lao động tiền thuê nhà, tiền gửi trẻ...

“Công ty đang thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, máy móc, nhà xưởng đều đã có sự chuẩn bị nên phải tuyển thêm lao động. Tuy vậy, việc tuyển dụng hiện đang khá khó khăn. Có thể do ảnh hưởng của dịch, nhiều lao động về quê không trở lại thành phố, cùng với đó nhiều bạn trẻ muốn chuyển việc khác. Do vậy, chúng tôi phải kết nối với nhiều đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm, tham gia các ngày hội lao động để tuyển lao động thường xuyên và liên tục”, chị Đinh Thị Thu Thúy, đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty Tiến Đạt cho hay.

Chạy đua tuyển dụng lao động -0
Ảnh minh họa.

Nhiều nhóm ngành sẽ tăng mạnh tuyển dụng

Theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 4 và tháng 5, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản ngân hàng… Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo có xu hướng tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng, tăng 38,63% so với tháng trước đó. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở vị trí lao động giản đơn, chuyên viên nghiệp vụ, tăng 22,5%; vị trí nhân viên hành chính văn phòng tăng 29,03%...

Đối với mức lương, nhóm lãnh đạo/quản lý/chuyên môn bậc cao được hưởng mức lương cao nhất kèm theo những yêu cầu khắt khe về năm kinh nghiệm, thường là từ 3 năm trở lên với vị trí tương đương, cùng các kỹ năng và có trình độ từ đại học trở lên. Đối với nhóm chuyên viên nghiệp vụ, mức lương dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng, yêu cầu bằng cấp từ cao đẳng trở lên tùy từng vị trí. Đối với nhóm nhân viên hành chính văn phòng và dịch vụ, mức  lương từ 8-10 triệu đồng/tháng. Các lĩnh vực khác như bất động sản tăng 15,19%, lĩnh vực ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng 165,5%.

“Nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động thời gian qua tập trung vào một số nhóm ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30,26%; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy chiếm 20,12% nhu cầu tìm kiếm việc làm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 13,74%; thông tin và truyền thông chiếm 14,11%; xây dựng chiếm 7,08%... Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng khoảng 100 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở các vị trí nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử… Ngoài ra, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch, lữ hành cũng sẽ tăng từ 15-20% so với giai đoạn trước, chủ yếu tập trung vào các vị trí như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ…”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.