Chàng thanh niên tiên phong làm nông nghiệp số

Thứ Sáu, 03/05/2024, 06:50

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Số hóa thay sức người

Anh vừa nhận giải thưởng cao quý là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Đặng Dương Minh Hoàng (SN 1988) hiện là Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, Giám đốc Nông trại Thiên Nông.

tien phong3.jpg -0
Anh Đặng Dương Minh Hoàng (áo thun trắng) giới thiệu sản phẩm Bơ Ông Hoàng và cách vận hành Nông trại Thiên Nông đến khách tham quan.

Anh sinh ra và lớn lên ở khu phố 3, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, trúng  tuyển vào THPT chuyên Quang Trung Bình Phước với điểm số cao. Anh từng đoạt giải khuyến khích môn Vật lý quốc gia. Năm 2007, anh đậu Đại học Bách khoa TPHCM, chuyên ngành cơ giới hóa, tự động hóa. Học đến năm thứ 2, anh nhận được học bổng du học Pháp rồi làm việc cho tập đoàn đa quốc gia tại Pháp. Năm 2013, anh tiếp tục đến Malaysia làm việc, đến năm 2016, anh quyết định trở về quê nhà bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh.

Internet vạn vật (IoT) là khái niệm xa vời vốn chỉ mới được áp dụng ở phương Tây. Những năm qua, anh Hoàng đã đưa một số ứng dụng IoT, blokchain (chuỗi khối) vào nông trang của mình như thổi một làn gió mới vào ngành nông nghiệp. Hiện anh Hoàng đang quản lý 50ha vườn,  trồng bơ, hồ tiêu, cao su. Cao su đóng vai trò như là một vùng đệm hữu cơ với lõi là cây bơ và hồ tiêu. Các loại cây trồng được áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch, như: ứng dụng hệ thống tưới tự động; năng lượng mặt trời; camera giám sát; máy bay không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cao su; giới thiệu sản phẩm/nhật ký số; thương mại điện tử… Sản phẩm bơ với thương hiệu Bơ Ông Hoàng (logo đã đăng ký sở hữu trí tuệ) đã được xuất khẩu đi các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và xuất hiện trên kệ của các siêu thị nổi tiếng và được nhiều khách hàng biết đến. “Tôi chủ động đưa trái bơ lên sàn thương mại điện tử và tham gia số hóa sản phẩm. Do đó, tôi tự định giá được trái bơ mình làm ra với mức 50-60 ngàn đồng/kg tại chuỗi cửa hàng trái cây sạch ở TPHCM và bán trên các trang thương mại điện tử 80-90 ngàn đồng/kg” – Giám đốc Nông trại Thiên Nông nói.

Sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan. Theo anh Hoàng, với diện tích đất lớn thì sử dụng máy bay không người lái vào phun thuốc chính là mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh cơ giới hóa nông nghiệp. Cùng một diện tích, thay vì trước đây phải sử dụng 6 lao động, tiền công 300 ngàn đồng/người/ngày, thời gian khoảng 2 ngày mới hoàn thành thì sử dụng máy bay không người lái - vấn đề này chỉ giải quyết trong 1 giờ, chi phí và nhân công giảm một nửa, đặc biệt là không ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Những năm qua Nông trại Thiên Nông đã thu về lợi nhuận lớn, trong đó năm 2023 hơn 8 tỉ đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Mang kinh nghiệm chuyển đổi số đến mọi người

Lực lượng lao động tại Nông trại Thiên Nông chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng và Khmer có hoàn cảnh khó khăn. Để tăng nguồn thu nhập cho 25 lao động làm việc thường xuyên ở nông trại, anh Hoàng đã tận dụng diện tích đất, đồng cỏ tự nhiên, lá cây keo từ nọc tiêu… để chăn nuôi bò, dê. Mỗi lao động sau khi nhận bò sẽ tự tìm nguồn thức ăn trong nông trại cho bò ăn. Khi bò sinh sản ra 1 con, người lao động sẽ được hưởng 1/2 con bê; khi bò sinh sản được 2 con, người lao động được hưởng 1 con bê. Đối với dê cũng áp dụng tương tự.

HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước do Hoàng làm giám đốc đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Bến Tre để thành lập HTX. Hiện HTX là đại diện triển khai nền tảng số AutoAgri trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong nông nghiệp. HTX đã số hóa cho tất cả thành viên, đồng thời thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước. Hiện HTX đã được cấp mã vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc; các sản phẩm của HTX như: bơ, sầu riêng, hạt điều đều đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Để có được thành quả như này, anh Hoàng cho biết, bản thân đã được các tổ chức trong và ngoài nước tạo điều kiện để học hỏi, tiếp thu kiến thức liên quan đến kinh tế nông nghiệp và du lịch nông nghiệp từ các quốc gia phát triển trên thế giới như: Pháp, Nhật, Malaysia.

Đặng Dương Minh Hoàng đã được vinh danh, trao rất nhiều giải thưởng danh giá như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 6/2023; giải thưởng 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023, 3/2024; giải thưởng Lương Định Của của TW Đoàn dành cho thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021; giải thưởng “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” cho các nước tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tổ chức năm 2022; Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của TW Hội Nông dân Việt Nam; 1 trong 20 đại biểu trẻ được Quốc hội mời tham dự Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, 9/2023; tham gia BCH TW Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2023-2028…

Đức Trí
.
.
.