Chậm thích ứng linh hoạt, dễ vuột mất cơ hội phục hồi, phát triển

Thứ Ba, 12/10/2021, 09:49

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo đã chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục, trong đó có tình trạng cát cứ, ách tắc cục bộ, có lúc, có nơi còn ban hành các văn bản riêng không đúng theo quy định chung.

Bắt đầu bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng việc bảo đảm các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả…

Mở cửa phải chú trọng phục vụ phát triển kinh tế

Nhìn nhận thực tế vấn đề mà người đứng đầu Chính phủ vừa chỉ ra, trò chuyện với PV Báo CAND sáng 11/10, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, các tỉnh Nam bộ chịu ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với nguy cơ mất an toàn.

Chậm thích ứng linh hoạt, dễ vuột mất cơ hội phục hồi, phát triển -0
Xe tải ùn tắc trên quốc lộ 1 đoạn ngang qua địa bàn TP Cần Thơ thời địa phương này giãn cách theo Chỉ thị 16.

"Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, dịch bệnh đang dần kiểm soát dù phải mất thời gian khá dài để đóng cửa trung tâm kinh tế lớn nhất TP Hồ Chí Minh và 2 vùng kinh tế quan trọng bậc nhất về nông nghiệp và công nghiệp phía Nam. Từ giữa tháng 9, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản kiểm soát được dịch và tiến tới bỏ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Việc mở cửa để phục hồi kinh tế là rất cần làm nhanh nhưng với nhiều ràng buộc và hạn chế như hiện nay, ĐBSCL mất nhiều thời gian nữa mới có thể khôi phục trở lại nguồn lực tăng trưởng", ông Lam thông tin và nhận định.

VCCI Cần Thơ tổng hợp từ các địa phương vùng ĐBSCL nhận thấy, hiện các doanh nghiệp (DN) bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ từ 30% - 50% số DN trên địa bàn mỗi tỉnh, trong đó số DN có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều, bình quân 250-300 DN với công suất 20 - 40% tùy từng địa phương do thiếu lao động và các quy định quản lý khác nhau ở mỗi nơi.

Chẳng hạn như Long An mạnh dạn "mở toạc" để DN mở cửa rồi tiến hành kiểm tra; Bến Tre áp dụng kế hoạch từng bước "sống chung" với đại dịch; Bạc Liêu và Sóc Trăng áp dụng rất sớm Chỉ thị 19 để DN được tối đa sản xuất; Tiền Giang chia làm 3 giai đoạn áp dụng, trong khi Hậu Giang thì áp dụng Chỉ thị 19 nhưng hạn chế qua lại giữa các huyện nếu còn dịch. Tại Cần Thơ, DN phải đăng ký và được duyệt mới cho sản xuất; còn An Giang vẫn chưa kịp ban hành kế hoạch tái sản xuất…

Điểm chung hiện nay tại ĐBSCL là mở cửa mới chỉ cho phép đi lại trong nội tỉnh nhưng người từ bên ngoài vào phải theo quy định riêng của mình. "Những rào cản này làm cho DN trong vùng, nhất là các KCN hay các nhà máy đặt giáp ranh giữa các tỉnh thì không thể có công nhân đi làm do bị quy định từ địa phương khác.

Người dân và DN thì không thể hình dung được khi những quy định không đồng nhất với nhau. Có nơi quy định 2 mũi vaccine và phải xét nghiệm COVID-19 sau 72 hoặc 48 giờ mới được phép vào tỉnh. Có tỉnh thì buộc cách ly 7 ngày, một số tỉnh lên tới 14 ngày, không ít tỉnh buộc phải có được giấy phép đồng ý từ UBND tỉnh mới được vào… Với đủ quy định như thế, DN đành "chịu chết" khi người một nơi, cơ quan cấp phép thì ở tỉnh khác", ông Lam băn khoăn.

Vấn đề đặt ra là các tỉnh hiện đều khống chế được tốt dịch bệnh, đều đang áp dụng Chỉ thị 15, thậm chí là Chỉ thị 19, tức tình trạng gần như nhau. "Thế thì sao không thống nhất để DN và người dân được thuận lợi hơn? Mở cửa vậy có phải chỉ phục vụ việc đi lại chứ chưa chú trọng phục vụ cho phát triển kinh tế?", ông Lam nêu vấn đề. DN có nhiều văn phòng, nhà máy, cần trực tiếp xử lý, kiểm tra, nhất là sau thời gian dài đóng cửa nhưng không thể đến rồi phải nằm chờ nhiều ngày theo quy định. Nơi ở công nhân cách nhà máy chưa đến 10km nhưng vì khác tỉnh, xem như không vào được lại phải thất nghiệp.

"Nhìn vào cách của TP Hồ Chí Minh và 4 tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An), nơi đang dịch bệnh vẫn còn phức tạp, mật độ dân số cao nhưng các địa phương cũng đã có sự thống nhất đi lại, càng thấy nghịch lý đang xảy ra trên đất "chín rồng", đó là trong khi các tỉnh Tây Nam bộ đang kiểm soát tốt hơn nhiều thì việc đi lại của người dân đang bị hạn chế. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể (và thực tế đấy là một thực thể) với 17 triệu dân thì có lẽ không có 13 cách quản lý ngồ ngộ như thế này", Giám đốc VCCI Cần Thơ suy tư trước biểu hiện cát cứ.

Mở cửa có kiểm soát hay kiểm soát việc mở cửa?

Các chuyên gia kinh tế rất tán đồng với chủ trương của Chính phủ, đó là phải thận trọng trong việc mở cửa nhưng phải linh hoạt để tạo điều kiện tốt nhất có thể. "Một cách nào đó, mở cửa trong thế chủ động, có kiểm soát để tránh nguy cơ bùng dịch chứ không phải mở cửa trong sự lo lắng rồi ràng buộc hoặc hạn chế nhiều thứ không phù hợp bối cảnh thực tế của xã hội".

Ông Nguyễn Phương Lam cho biết thêm, hiện hầu như các DN khi tham gia sản xuất, kinh doanh đều phải đăng ký sản xuất an toàn.

"Nếu như Chỉ thị 15 cho phép tập trung nơi công cộng (không quá 9 người) nhưng sao lại không tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở các quán ăn, quán nước ở mức dưới 9 người hoặc hơn nữa nếu có đủ không gian giãn cách! Siêu thị lớn vẫn đang bị đồng hóa với cửa hàng tiện ích nhỏ bởi hạn mức số người ra vào. Người dân được đi lại bình thường nhưng lại quy định tài xế không được bốc dỡ hàng hóa trong khi xe tải chở cùng lúc nhiều mặt hàng cho nhiều nơi khác nhau thì việc bốc vác không thể thay lái xe tự lấy hàng chuyển vào kho. Yêu cầu như thế thì tiêm vaccine cho tài xế bỗng trở nên vô nghĩa. Dường như chính chúng ta bị bó buộc bởi những quy định truớc đây trong khi bước sang trạng thái "bình thường mới" nhưng lại không có cách quản lý mới", ông Lam nêu quan điểm.

Nếu coi DN là "pháo đài", phải để cho "pháo đài" tự quyết quyền tự vệ của mình, không thể tiếp tục có những kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, làm mất thời gian nhưng lại không mang lại kết quả. Đã cho sản xuất tập trung tại chỗ, một kiểu "cách ly" công nhân với bên ngoài đủ dài nhưng lại cứ buộc xét nghiệm dày đặc, vừa hao tốn nguồn lực, chi phí... mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của người lao động.

Những nhà quản lý cần nhận ra rằng, nền kinh tế và sức chịu đựng của DN đã tới hạn nên cần sớm làm được những gì có thể để duy trì hệ thống sản xuất thật sớm, nếu không sẽ khó phục hồi. Một khi kinh tế kiệt quệ thì có muốn đánh thắng "giặc COVID" thì có còn

Theo lãnh đạo VCCI Cần Thơ, liên kết vùng là cần thiết nhưng còn xa lắm, vì không thể nói hợp tác là bắt tay ngay được. Điều kiện cần cho liên kết vùng là thể chế hóa chính quyền cấp vùng, điều chỉnh được cấu trúc hành chính… nhưng điều đó phải từ cơ quan lập pháp. "Ngay lúc này đây, các tỉnh, thành Tây Nam bộ đang cần một sự thống nhất về cách mở cửa và hợp tác để giữa các địa phương để bắt đầu công cuộc tái thiết kinh tế vùng. Nếu không, mọi nơi đều chạy, còn ĐBSCL sẽ tiếp tục ì ạch bởi chúng ta đang tự trói chân mình", ông Lam cảnh báo.

Lãnh đạo VCCI Cần Thơ cũng đồng quan điểm với chúng tôi rằng, nhìn tổng thể liên vùng, nếu chậm "mở" tư duy thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh, sẽ vuột mất cơ hội phục hồi, phát triển.     

Thái Bình
.
.
.