Cảnh báo về các ứng dụng đầu tư chứng khoán không phép: Chậm nhưng có chắc?
Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới có khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động huy động vốn trên không gian mạng của một số doanh nghiệp chưa được UBCKNN cấp phép, có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi có tranh chấp. Điều đáng nói là các doanh nghiệp này đã hoạt động nhiều năm, vậy cơ quan quản lý đã ở đâu khi các nhà đầu tư tham gia trước đó?
Theo thông báo của UBCKNN, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
"Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh", UBCKNN khuyến cáo.
Việc UBCKNN phát đi thông báo cảnh báo này đang khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ngỡ ngàng khi các ứng dụng này đã hoạt động nhiều năm và thường xuyên được truyền thông rộng rãi. Câu hỏi mà nhà đầu tư đang thắc mắc là: Vì sao sau nhiều năm hoạt động công khai thì đến nay các ứng dụng mới được UBCKNN phát giác và ra thông báo? Liệu có những hình thức huy động vốn nào vẫn đang hoạt động công khai nhưng chưa được phát hiện sai phạm không? Được biết, Passion Invest hoạt động từ năm 2016, cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng dành cho phần lớn các khách hàng cá nhân.
Tương tự, Tikop có tầm nhìn trở thành 1 nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu tại Việt Nam, tham gia sâu vào tiến trình chuyển đổi số đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Còn Infina là tên gọi của nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi công ty RealStake (RealStake Pte. Ltd), được thành lập vào năm 2018 tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam. Ứng dụng này hiện cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy...
Trả lời câu hỏi của báo chí về về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán, từ thời gian trước UBCKNN đã nắm bắt thông tin về một số doanh nghiệp sử dụng các app giao dịch trên điện thoại di động để trợ giúp các nhà đầu tư chứng khoán đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Tuy nhiên, để thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của các tổ chức này có dấu hiệu vi phạm hay không và đưa ra cảnh báo phù hợp cho nhà đầu tư thì sẽ mất một khoảng thời gian do một số yếu tố khó khăn tác động.
Cụ thể, các doanh nghiệp này không phải là các đơn vị do UBCKNN thành lập và quản lý mà được các Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố cấp theo Luật Doanh nghiệp. Hoạt động của các đơn vị này được thực hiện trong môi trường công nghệ, thông qua cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng app giao dịch trên điện thoại di động. Do đó việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp này để đưa ra các nhận định, đánh giá là tương đối khó khăn và mất thời gian.
Chưa kể, các doanh nghiệp này sử dụng các công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm. UBCKNN cũng phải tổ chức làm việc trực tiếp với một trong các doanh nghiệp trên tại trụ sở UBCKNN để thu thập bằng chứng bổ sung nhằm làm rõ hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị tương tự.
"Sau khi nghiên cứu và xác minh, nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty quản lý quỹ hợp pháp, UBCKNN đã đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư về hoạt động của các doanh nghiệp trên. Thông qua việc xử lý các tổ chức có dấu hiệu thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trái phép, cảnh báo nhà đầu tư về các rủi ro khi giao dịch với các tổ chức này sẽ định hướng dòng vốn của nhà đầu tư đến với các công ty quản lý quỹ đã được cấp phép, tạo điều kiện phát triển quỹ đầu tư chứng khoán", Bộ Tài chính thông tin và khuyến nghị hiện nay trên thị trường, một số đại lý phân phối của các công ty quản lý quỹ cũng đang phát triển các ứng dụng công nghệ và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ.
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...). Nhà đầu tư có thể tìm hiểu danh sách, thông tin các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán trên website của UBCKNN. Ngoài ra, cần định hướng các công ty Fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ Fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Nhận xét về câu trả lời của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng, cách biện giải này chưa hợp lý, bởi trong thời điểm nhạy cảm của thị trường như hiện nay, việc đưa ra cảnh báo muộn có thể là giải pháp an toàn cho cơ quan quản lý nhưng sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư, vì chờ đến khi được cảnh báo thì họ đã "sa chân" từ lâu, và nếu rủi ro xảy ra thì sẽ không có cơ hội lấy lại vốn nữa. Việc "đổ" cho quy trình thành lập doanh nghiệp ở các Sở Kế hoạch đầu tư như giải thích cho thấy UBCKNN chưa thực sự sát sao đến lĩnh vực mình quản lý, cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng đang "có vấn đề"!