Cần ưu tiên giải quyết điểm nghẽn trong sản xuất chế biến lương thực thực phẩm
Sản xuất chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Ngành sản xuất chế biến LTTP chiếm tỷ trọng 19,1%, tỷ trọng cao nhất, trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, có tầm quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (XK).
Tại TP Hồ Chí Minh, ngành chế biến LTTP là ngành trọng điểm, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Mặc dù đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu đã chiếm lĩnh thị trường trong nước từng bước thay thế hàng nhập khẩu (NK) và XK sang nhiều nước trên thế giới nhưng hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương có thế mạnh về sản xuất nguyên liệu và TP Hồ Chí Minh vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn. Các địa phương tự sản xuất theo nhóm ưu thế, còn TP Hồ Chí Minh thiếu sản phẩm nào thì tự tìm mua. Việc này dẫn đến tình trạng các địa phương sản xuất nguyên liệu khó bán được hàng, còn TP Hồ Chí Minh cần nguồn hàng để mua thì các địa phương không đáp ứng được.
Cung - cầu không gặp nhau, tình trạng "được mùa mất giá", "được giá mất mùa" vẫn liên tục diễn ra. Mối liên kết giữa bên mua - bên bán thiếu bền vững nên nhiều vùng nguyên liệu thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, chất lượng sản phẩm chưa ổn định...
Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch rất cao tại các vùng nguyên liệu, khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém vì thiếu hệ thống kho lạnh. Theo thống kê, hiện ĐBSCL chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam. Hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu khiến chi phí logistics rất cao, trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu đến năm 2030, ngành chế biến LTTP sẽ trở thành ngành công nghiệp hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới về ứng dụng công nghệ số, công nghệ "xanh, sạch và bền vững". Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2 con số mỗi năm và đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố; Tầm nhìn đến năm 2050: Hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ và quy mô lớn nhằm tiến tới chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao, chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, hình thành những tập đoàn lớn trong ngành có khả năng cạnh tranh với các công ty đa quốc gia tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Để thực hiện, thành phố cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn mà ngành LTTP đang bị vướng. Đó là phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quản lý vùng nguyên liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ, định hướng sản xuất, yêu cầu về quy mô, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả... Cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp kết nối tốt hơn cung - cầu hạn chế được tình trạng phải "giải cứu"…
Về hệ thống kho lạnh, cần phát triển trên cơ sở phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn về phát triển logistics nói chung và chuỗi cung ứng lạnh nói riêng. TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch 7 trung tâm logistics, nhưng hiện chỉ có trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao với diện tích 6ha đang kêu gọi đầu tư. Các trung tâm còn lại đang dừng ở khâu quy hoạch. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa các trung tâm này vào vận hành.
TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2.877 đơn vị sản xuất kinh doanh ngành chế biến LTTP, nhưng phần lớn DN có quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số, gặp nhiều thách thức về phát triển thị trường, tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với DN nước ngoài... Vì vậy, trong hoạt động xúc tiến thương mại và đào tạo của thành phố, cần hỗ trợ DN một cách toàn diện về việc tiếp cận - phân tích - khai thác dữ liệu, đánh giá thị trường, công nghệ AI… vào tất cả các hoạt động giao thương.
Đặc biệt, cần cập nhật thông tin và kiến thức cho DN về xu hướng tiêu dùng trên thế giới, các hiệp định thương mại mới cũng như các yêu cầu phát sinh của nước NK, các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm theo xu hướng mới nhất phù hợp thông lệ quốc tế, thúc đẩy hàng Việt cạnh tranh trên thị trường thế giới.