Cần tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp xăng dầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ KH&ĐT, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị lựa chọn tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của DN kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có sở điều chỉnh kịp thời. Điều này đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích của DN và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Về thời gian điều hành và công bố giá, Bộ KH&ĐT không nêu quan điểm ủng hộ phương án 10 ngày, 7 ngày, mà đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như thời gian vừa qua.
Về cho phép đại lý bán lẻ lấy từ nhiều nguồn, Bộ KH&ĐT cho rằng, theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của bên giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý. Xăng dầu là mặt hàng ở thể lỏng, yêu cầu cất trữ khác hàng hóa thông thường, nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng một bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu, nhất là xác định trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại...
Tuy nhiên, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo.