Cần sự phối hợp đồng bộ triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 29/10 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng việc lồng ghép triển khai các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo phát triển, xoá đói giảm nghèo, người dân được tiếp cận cách sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đặc biệt, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID 19, hướng tới phát triển kinh tế xanh, đồng thời là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải carbon thấp, trung hòa carbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh quốc sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.
Theo Bộ KH&ĐT, chiến lược tăng trưởng xanh đặt mục tiêu cường độ phát thải trên GDP so với năm 2014 giảm ít nhất 15% đến năm 2030, 30% đến năm 2050. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, các bộ, ngành sẽ cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu. Đồng thời phát triển các ngành xanh; cắt giảm, chuyển đổi khỏi hoạt động đầu tư cản trở nỗ lực giảm nhẹ; nâng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phối hợp tổ chức thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt; trong đó sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đóng vai trò nền tảng…
Ngay sau hội nghị này, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, tổ chức xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như các nội dung quan trọng khác được giao thực hiện.