Cần “nhạc trưởng” trong điều phối, liên kết đầu ra cho nông sản

Thứ Hai, 31/10/2022, 09:00

Mặc dù thời gian qua, nông sản Việt đã liên tục nhận được tin tốt khi mà nhiều loại đã xuất khẩu theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì bài toán đầu ra cho nông sản không bao giờ cũ bởi nhiều loại vẫn đang rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để phát triển bền vững với các loại nông sản.

Tính liên kết chưa cao

Tại Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp”, mới đây, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết cả nước hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân, chính vì vậy đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.

Cần “nhạc trưởng” trong điều phối, liên kết đầu ra cho nông sản -0
Cần phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Ảnh CTV

Đáng nói, đến nay có khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với DN. Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả kinh tế không cao. “Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào liên kết hợp tác với nhau nhưng lại quay ra tổ chức các hoạt động riêng, “một mình một mâm””, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) cho biết, việc đưa nông sản vào siêu thị sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp (DN) ổn định đầu ra sản phẩm, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng việc này hiện đang gặp khó khăn. Theo ông Hùng, lý do mà các siêu thị đưa ra là nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị… Trong khi HTX cũng đã rất cố gắng và thực hiện nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Chính vì vậy, thành viên HTX đang băn khoăn chưa biết làm thế nào để có thể đưa sản phẩm vào siêu thị? Bên cạnh đó, HTX hiện nay rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng. Trong khi cơ chế thanh toán các siêu thị đưa ra kéo dài đến 45 ngày, HTX không có đủ vốn để quay vòng sản xuất.

Ông Nguyễn Chí Hiểu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Quan (Hưng Yên) cũng cho rằng, HTX muốn phát triển thì rất cần sự hỗ trợ liên kết trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng. Do vậy, HTX hiện không chỉ khó khăn về nguồn vốn, năng lực tài chính, khoa học kỹ thuật mà đầu ra cũng rất quan trọng. Nếu việc kết nối được thực hiện chặt chẽ, phối hợp tốt giữa các nhà thì người nông dân sẽ tự tin để đầu tư vào sản xuất.

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các HTX rất mong muốn được liên kết với DN, siêu thị… thậm chí đi bằng chính “đôi chân” của mình để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn của các thành viên HTX về giấy tờ, cách thức kết nối với các DN đang khiến đầu ra cho các loại nông sản, sản phẩm chế biến sâu chưa được rộng mở.

Cùng với đó, bà Ngô Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc HTX Trà Cao Sơn (Thái Nguyên) cũng cho rằng, hiện nay trong liên kết sản xuất có tình trạng, lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận, người sản xuất không bán sản phẩm cho DN mà bán thẳng ra thị trường. Lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì DN bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Như sản phẩm trà rất hạn hẹp về nhu cầu thị trường, hiện chủ yếu là sản phẩm trà truyền thống. Chính vì vậy, HTX mong muốn các cơ quan hỗ trợ tìm ra những sản phẩm mới từ trà để tránh tình trạng sản xuất theo mùa vụ, đứt gãy liên kết giữa HTX và người dân, DN.

Cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường và sản xuất những sản phẩm đặc thù

Để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm -tỉnh Trà Vinh) cho biết, trước hết DN, HTX cần phải kịp thời cập nhật xu thế tiêu dùng mới, tiếp cận khách hàng tiềm năng. Cùng với đó, các sản phẩm phải mang tính đặc trưng, bảo đảm về chất lượng sản phẩm. Do vậy, nếu các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chú trọng yếu tố tự nhiên và có giấy chứng nhận đầy đủ, thì đây chính là điểm mạnh để thuyết phục các thị trường. Trên thực tế, các sản phẩm của Sokfarm- mật hoa dừa đã từng bước chinh phục được thị trường trong nước và xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và một số thị trường khó tính khác.

Về vấn đề sản phẩm của HTX khó vào hệ thống phân phối, siêu thị, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc thu mua Big C/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, siêu thị cần sản phẩm đặc thù và chất lượng đảm bảo, ổn định. Tuy nhiên, lâu nay là HTX thường bán những cái có sẵn nhưng chưa chú trọng đến sản phẩm đặc thù. Có những HTX giới thiệu 15-20 mã hàng những tất cả các mã không có gì đặc thù. Do đó, HTX cần phân loại sản phẩm để đưa vào từng phân khúc phù hợp. Hiện có HTX Mường Bú (Sơn La), HTX Chúc Sơn (Chúc Sơn) đang làm rất tốt điều này.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood cho rằng, điều HTX cần quan tâm là khách hàng ở đâu, HTX cần phải bán sản phẩm ở đó. Hiện, đã có đơn vị ở Sơn La bán được 600 triệu tiền hàng trong 1 buổi livestream. Chính vì vậy, các HTX kiểu mới có thể ứng dụng công nghệ số hóa để bán hàng hiệu quả.

Hiện, trên cả nước đã có trên 1.000 siêu thị, cửa hàng hiện đại, ngoài ra còn hơn 1.000 chợ giúp tiêu thụ nông sản của người dân, HTX. Nhưng vấn đề đặt ra là hạ tầng thương mại của các siêu thị, chợ chưa đáp ứng được vấn đề tiêu thụ nông sản. Đề làm được điều đó, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các chợ, siêu thị phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung -cầu gặp nhau.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước khi nói đến xuất khẩu, sản phẩm của HTX phải chinh phục được thị trường nội địa. Cùng với đó, HTX cần chú trọng đến câu chuyện thị hiếu khách hàng. Điều này liên quan đến hình thức chuyển đổi số để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Chính vì vậy, HTX cần phân loại sản phẩm để tiếp cận khách hàng phù hợp. Ngoài ra, các HTX cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan bộ ngành để sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, có định hướng rõ ràng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu.

Để hạn chế rủi ro và tăng giá trị nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, đã đến lúc các vùng, miền cũng như DN, HTX cần ngồi lại lần nữa dưới sự điều phối của một “nhạc trưởng”. “Thành phần liên kết phải “có trên có dưới” thì mới đưa ra được chương trình cụ thể, liên kết mà mọi nhà đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm”, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.

Phan Đức

.
.