Cần có sự khác biệt để nông sản cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử

Thứ Tư, 23/11/2022, 16:52

Tại Toạ đàm "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, có 2 cách để nông sản cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là: Giá phải thật rẻ hoặc phải có sự khác biệt. Và sự khác biệt này chính là các sản phẩm đặc sản OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), đặc sản vùng miền.

Ông Nguyễn Bình Minh cho biết, TMĐT Việt Nam đang “bùng nổ” rất mạnh. Trong đó, 8 tháng đầu năm nay, nông sản tăng trưởng mạnh, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng trên 10%.

Cơ hội của phát triển nông sản ở trên các sàn TMĐT là rất lớn, đồng thời việc hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì chúng ta có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.

Theo đại diện VECOM, gần đây, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc tham gia các sàn quốc tế, như Alibaba hay Amazon, Voso, Vietnam Post… Năm 2021 cũng nhờ có Hiệp định thương mại tự do EVFTA cùng với sự hỗ trợ của Voso, những tấn vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đã tới được Berlin (Đức) và có giá trị thương mại rất cao. Đây cũng là một bước để thấy rằng, TMĐT đã đóng góp rất lớn để đưa thông tin sản phẩm ở các địa phương đến được nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những thị trường cao cấp.

Cần có sự khác biệt để nông sản cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử -0
Các chuyên gia "mách nước" để nông sản có thể cạnh tranh được trên sàn thương mại điện tử.

Để nông sản cạnh tranh trên sàn TMĐT, đại diện VECOM cho rằng, trước hết phải bán thật rẻ nếu tất cả sản phẩm mọi người đều giống nhau hoặc phải có sự khác biệt. Đây chính là sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù vùng miền vì có sự khác biệt.

Bước đầu thành công trong việc đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân (Lục Ngạn- Bắc Giang) chia sẻ, đòi hỏi của người tiêu dùng với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm rất khắt khe. Do đó, ngoài việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, doanh nghiệp, hợp tác xã cần thay đổi cách bán hàng.

Ngoài việc bán hàng theo cách truyền thống ra thì chúng tôi sẽ tiếp tiếp tục đưa lên sàn TMĐT và Youtube…; Tuyển lao động trẻ có trình độ khoa học kỹ thuật tốt hơn, biết chụp ảnh, đưa lên mạng, giao tiếp với khách hàng qua mạng; cải thiện hệ thống logistic, vận chuyển…

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, để sản phẩm tiêu thụ ổn định thì các HTX, các nhóm hộ sản xuất phải có một lượng sản phẩm đủ cung cấp ra thị trường. Ví dụ như sản xuất ra khoảng 200 cái bánh thế nhưng ngày mai có thể lại bận đi công việc, đi ăn cỗ, dừng bán, khách hàng người ta không chờ được. 

Theo ông Phạm Công Toản, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều chính sách để xây dựng phát triển thương hiệu và tạo ra những sản phẩm mang nét đặc trưng hàng Việt với lợi thế cạnh tranh riêng. Hiện tại, Bắc Giang đã có 54 sản phẩm chủ lực đặc trưng và tiềm năng, 180 sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ được 40 hợp tác xã và doanh nghiệp mở gian hàng tiêu thụ hàng Việt trên sàn TMĐT. Cùng đó, tổ chức hướng dẫn bà con ngay tại vườn cách làm hình ảnh, tiếp nhận đơn hàng chốt đơn hàng, cách đóng gói, quy trình vận chuyển hàng đến tay với người tiêu dùng và nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sàn TMĐT trong quá trình thực hiện.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng, cần sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, hoạt động đào tạo và phát triển TMĐT cần phải có lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục học tập, nâng cao trình độ. Đồng thời, việc phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà con nông dân sẽ được mở rộng ra để tất cả sản phẩm từ trung bình đến những sản phẩm giá rẻ cũng đều có khả năng ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý phát triển đầu tư các hoạt động về marketing, quảng bá và làm thương hiệu ở trên Internet. Việc đầu tư làm thương hiệu hay quảng bá hình ảnh, nâng cao các kỹ năng về marketing trên nền tảng số là những điều doanh nghiệp cần đầu tư và sẽ mang tới cho doanh nghiệp một bước nhảy mới trong thời kỳ chuyển đổi số.

Lưu Hiệp
.
.
.