Cần có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao
Giá xăng dầu thế giới dự báo còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong năm 2022, theo đó giá xăng dầu trong nước sẽ chịu sự tác động này, đồng thời dự báo sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có chiến lược dự trữ đảm bảo, đồng thời có các giải pháp linh hoạt để đảm bảo được cân đối cung cầu trong nước, giảm tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ tác động không chỉ đến sản xuất, mà còn tác động đến tiêu dùng vì chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% chi tiêu cuối cùng của hộ gia đình. Do vậy, khi giá xăng dầu tăng sẽ làm giảm chi tiêu hộ gia đình, đồng nghĩa sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Tổng cầu giảm sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để ứng phó với giá xăng dầu tăng mạnh như vừa qua, TS Lê Huy Khôi cho rằng, cần phải có các giải pháp cụ thể, trong đó: Kiểm soát nguồn cung xăng dầu trong nước, đi đôi với sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác dự báo để có những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời; tổ chức phát triển thị trường nội địa, tăng cường lưu thông, phân phối nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo giữ bình ổn giá cả hàng hoá, dịch vụ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao;...
Để giảm thiểu tác động xấu của tăng giá xăng dầu đến tăng trưởng và lạm phát năm 2022, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 dự báo thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng; trong nước sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát cao. Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt, bên cạnh các yếu tố như: Vốn đầu tư công, thực hiện linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ, yếu tố biến động giá xăng dầu cần đặc biệt quan tâm để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.
Đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân, góp phần phát huy hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
“Xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.