Các tỉnh Tây Nguyên lo lắng "đầu ra" cho nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19

Thứ Bảy, 25/09/2021, 16:00

Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức sáng 25/9, các địa phương tại khu vực này mong muốn được kết nối tiêu thụ nông sản của khu vực trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

 

Địa phương mong nông sản có đa kênh tiêu thụ

Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, Đắk Lắk đã và sẽ có nhiều nông sản đứng đầu cả nước cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đến nay, Đắk Lắk đã có gần 40.000 ha, với sản lượng 220.000 tấn quả tươi một số loại có diện tích và sản lượng khá lớn như: Sầu riêng sản lượng 103.000 tấn; bơ sản lượng hơn 80.000 tấn;...

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến khâu vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm; đặc biệt là một số trái cây như bơ, sầu riêng với sản lượng lớn, thời gian bảo quản ngắn và thu hoạch đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng, tỉnh chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn. Tại Diễn đàn, ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cũng đề nghị phía Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) kết nối tiêu thụ 20.000 – 23.000 tấn sầu riêng và khoảng 10.000 tấn bơ.

Lâm Đồng được biết đến là vùng trồng hoa nổi tiếng cả nước, ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - từ tháng 9 đến tháng 12/2021, ước sản lượng hoa khoảng 1 triệu cành mong muốn kết nối tiêu thụ. Cùng với đó, hiện mặt hàng rau củ, quả khoảng trên 1.100.000 tấn; sản lượng bơ khoảng 12.000 tấn; sản lượng sầu riêng khoảng 20.000 tấn mong muốn kết nối tiêu thụ với thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như kết nối xuất khẩu.

dak-lak-cap-dong-sau-rieng-1.jpeg -0
Tỉnh Đắc Lắc đề nghị được kết nối tiêu thụ 20.000 tấn sầu riêng.

Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành- Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai- cho biết, từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh, rau các loại sản lượng dự kiến khoảng 8.315 tấn; đậu đỗ các loại sản lượng 10.470 tấn; khoai lang sản lượng 10.309 tấn; hàng ngàn ha cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long... đang rất cần kết nối thị trường để tiêu thụ….

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP cũng mong muốn tìm đầu ra cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao. Các địa phương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước; kết nối một số nhà đầu tư hỗ trợ chế biến và tiêu thụ một số nông sản chủ lực; các Bộ ngành có Chương trình, Đề án, chính sách phát triển liên kết vùng, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, chợ online,...

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước. “Các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng 2 bên cũng cần mối liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh để có thể bán hàng đa kênh, đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường”, bà Hậu nói.

Bà Hậu lấy ví dụ, các sản phẩm như sầu riêng, bơ khi đến Hà Nội thì người tiêu dùng cần phải biết khi nào ăn được, ăn ngon nhất.  Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì giá trị thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng.

Doanh nghiệp lại lo thiếu nguyên liệu chế biến

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, trong khi các tỉnh Tây Nguyên đang lo lắng về đầu ra cho các nông sản chủ lực của tỉnh như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,... thì các doanh nghiệp lại quan tâm đến nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến vì thường xuyên thiếu những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu. Theo bà Ngô Tường Vy, trong 1 năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty Chánh Thu mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…

"Điều đáng mừng là tại các thị trường này, sầu riêng Ri6 của Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt, tại Úc, sầu riêng Ri6 của Việt Nam còn được ưa chuộng hơn cả sầu riêng Musang King của Malaysia", bà Vy thông tin.

Ngoài sầu riêng, theo bà Vy, quả chanh leo tại Tây Nguyên cũng là sản phẩm rất đáng được quan tâm. Nhu cầu quả chanh leo tươi của thế giới lớn, Việt Nam cần có những đề án hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch để có thể xuất khẩu.

doveco-gia-lai-di-vao-hoat-dong-4.jpeg -0
Sản phẩm chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thế giới.

Tương tự, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết, hiện nay ở Tây Nguyên, công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.

"Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra, trong khi đó hiện nay sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới. Chính vì vậy các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn”, ông Đinh Cao Khuê gợi ý.

Ngoài chanh leo, tại khu vực Tây Nguyên hiện nay, DOVECO có 1.200 ha trồng dứa tại Gia Lai, chỉ mất 9 tháng đã có thể xử lý, chế biến.

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đồng thời tuyên truyền quảng bá giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên, đóng góp vào việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

5925_dau-cau-ha-noi.jpeg -0

Các đại biểu tham gia Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên đầu cầu Hà Nội.

Đồng tình với những kiến nghị của các địa phương ở Tây Nguyên trong việc thúc đẩy kết nối, tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Trong thời gian tới, Diễn đàn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước”.

Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.

Ngọc Yến
.
.
.