Buôn lậu trên biển vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Sáu, 12/11/2021, 08:44

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 bùng phát tại một số địa phương, tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển vẫn diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng và với nhiều loại hàng khác nhau. Đó là từ dầu DO, dầu FO, than, pháo nổ, thuốc lá điếu, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm và hàng cấm… Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, bắt giữ.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các hoạt động vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực biển vùng Đông Bắc, miền Trung, Tây Nam...; trên các tuyến biển quốc tế từ châu Phi, châu Úc, Đài Loan, Hồng Kông về Việt Nam… với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thậm chí, tình trạng manh động, dùng vũ khí chống lại các lực lượng chức năng diễn ra khá phổ biến. Trong đó, với mặt hàng phổ biến nhất là xăng, dầu thường mua bán trái phép nhiều nhất ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía Tây Nam, đặc biệt tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia.

f3b3ac5a-a8e8-460e-afb2-cd14bef83b0b.jpeg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu vi phạm. Ảnh: CSB cung cấp.

Một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng là các đối tượng biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu, lắp đặt thêm các trang bị, công cụ trên tàu; thực hiện việc mua bán trực tiếp trên biển rồi sau đó đưa vào đất liền tiêu thụ. Điển hình, vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một tàu vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp tại khu vực biển cách Tây Bắc đảo Thổ Chu, Kiên Giang khoảng 26 hải lý.

Tiếp đó, ngày 19/10, trên khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 115 hải lý về phía Đông Đông Nam, lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu BT-99998 TS có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 7 thuyền viên, thuyền trưởng là ông Lê Minh Tính, sinh năm 1965, quê ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Ca Mau.

Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện trên tàu BT-99998 TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO. Làm việc với lực lượng chức năng, thuyền trưởng Lê Minh Tính không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Bên cạnh đó, các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ chuyên môn.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc giao thương, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; lực lượng chức năng tập trung phòng, chống dịch, hoạt động nghiệp vụ trên biển cũng như công tác thực thi pháp luật bị ảnh hưởng ít nhiều… để gia tăng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển và ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, áp dụng công nghệ cao.

Hiện nay, thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động ở mức độ rất cao, với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia. Mỗi năm, ngành Hải quan đã thực hiện soi chiếu gần 50.000 container. Việc tăng cường soi chiếu nhằm bảo đảm kiểm soát một cách hiệu quả các lô hàng nghi vấn. Trong đó, một trong những thủ đoạn thường dùng trong thời gian qua là lập các pháp nhân làm bình phong để hợp thức hóa giao dịch mua bán, vận chuyển; sử dụng hóa đơn quay vòng, lợi dụng các chính sách tạm nhập, tái xuất; kê khai không đầy đủ, không đúng tên hàng và tuồn hàng lậu vào đất liền qua các đường tiểu ngạch, bãi ngang, bãi tạm; hoạt động theo mô hình khép kín, vừa tổ chức liên kết thành băng, nhóm vận chuyển hàng lậu số lượng lớn, vừa tổ chức buôn lậu nhỏ, lẻ...

Đáng chú ý, “nhiều đối tượng tội phạm thực hiện các giao dịch tinh vi trên nền tảng thương mại điện tử; áp dụng công nghệ cao như lắp đặt những thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng. Nhiều hàng cấm như ma túy còn được giấu kín trong các thùng carton có gắn định vị và thả nổi trên biển; các đối tượng cũng có chiều hướng thực hiện các hoạt động câu kết ở các vùng biển xa, giáp ranh giữa Việt Nam với các nước để dễ tẩu tán, chạy ra vùng biển nước khác, tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng...,” ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho hay. 

Từ nay đến cuối năm, dự báo, tình hình buôn lậu trên biển, nhất là thời gian giáp Tết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nhu cầu của thị trường tăng cao. Do đó, lực lượng hải quan sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình trên các vùng biển; phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các khu vực trọng điểm để ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề liên quan đến nhóm mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả...

Lưu Hiệp
.
.
.