“Bung” tín dụng nhưng không “kích” lạm phát

Thứ Tư, 07/12/2022, 09:20

Sau bao chờ đợi, cuối cùng chỉ tiêu tín dụng cũng đã được “nới”. Vì thanh khoản trên thị trường tài chính thời gian gần đây khá căng thẳng nên việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới chỉ tiêu tín dụng thêm từ 1,5-2% đối với toàn bộ ngân hàng được cho là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.

Bình luận về việc tăng chỉ tiêu tín dụng của NHNN, các chuyên gia đánh giá đây là động thái là cần thiết phải làm ngay để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế giai đoạn cuối năm.

Quyết định này sẽ có ba tác động chính là góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới; trong khi đó, tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực (dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…).

hdb1-(2).jpg -0
Tăng chỉ tiêu tín dụng sẽ khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, động thái kịp thời này sẽ giúp ngân hàng có thêm dư địa để cho vay. Đồng thời, những lo ngại về việc nợ xấu phát sinh ngay trong kỳ báo cáo này được giảm bớt, lãi cũ thu được và lãi mới phát sinh trên sổ sách, từ đó giúp ngân hàng tăng thu nhập trong quý cuối cùng của năm 2022. Trong khi đó, các doanh nghiệp đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng nhờ room mới.

Đánh giá chủ trương điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của NHNN cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội. “Tăng room cũng không làm gia tăng lạm phát, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên”- TS Nghĩa nói thêm.

Có cùng nhận định, TS Cấn Văn Lực đánh giá cao quá trình điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của NHNN. Tuy nhiên, cùng với việc nới room tín dụng hợp lý và giảm lãi suất cho vay, cần cắt giảm thủ tục hành chính; cùng với đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi; miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Song, bên cạnh những đánh giá tích cực cũng có một vài ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của việc nới chỉ tiêu tín dụng. Chia sẻ tại Talk show “Gỡ nghẽn dòng tiền” diễn ra mới đây, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, nới room tín dụng thời điểm này sẽ ít hiệu quả, vì theo vị chuyên gia này, việc doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn không còn nằm ở room tín dụng, bởi chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm, nên thời gian quá gấp. Chưa kể, ngay từ phía các ngân hàng, dù có thêm chỉ tiêu tín dụng, họ cũng đang rơi vào tình trạng kẹt tiền. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trên thị trường đã có tỷ lệ cho vay/huy động vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động.

Còn trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích nhận định việc NHNN chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỉ đồng. Dù tỉ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

"Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi huy động vốn tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng" – chuyên gia SSI nhận xét.

Hà An
.
.
.