“Bỏ túi” kinh nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt an toàn

Thứ Hai, 07/10/2024, 15:46

Trong thời buổi thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ, làm sao để có thể giao dịch an toàn, không bị mất tiền là câu chuyện được nhiều người quan tâm.

Không thể phủ nhận, thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện lợi, thậm chí cả đi mua rau hay đi trà đá cũng có thể quẹt QR để chuyển khoản, không cần cầm tiền.

Tuy nhiên, song song với dịch vụ phát triển mạnh mẽ, thì chúng ta cũng phải đối mặt với các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong thời gian gần đây, tội phạm ngày càng tinh vi.

Vậy, người sử dụng dịch vụ cần lưu ý những gì để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt?

“Bỏ túi” kinh nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt an toàn -0
Khách hàng cần ghi nhớ các bước đảm bảo an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo các chuyên gia ngân hàng, trước tiên, cần nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay.

Thứ nhất: Mạo danh cơ quan Nhà nước/cơ quan chức năng; mạo danh ngân hàng; mạo danh người thân, lãnh đạo.

Thứ 2, lừa đảo mua bán hàng qua mạng. Theo đó, đối tượng lừa đảo lập các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam; hoặc rao bán sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng sau khi khách hàng chuyển tiền, không nhận được sản phẩm, không liên lạc được người bán.

Trong tình huống này, khách hàng TUYỆT ĐỐI:

•           Không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào từ người tự nhận là công an, cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, cán bộ ngân hàng…

•           Không truy cập/nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.

•           Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link.

•           Không cài các ứng dụng thử nghiệm của Apple.

•           Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại.

•           Không cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử: Mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, QR); thông tin về tài khoản, thẻ, cho bất kỳ ai;

•           Không bẻ khoá (root, jailbreak) điện thoại.

Trường hợp nếu lỡ làm theo hướng dẫn của kẻ giả mạo thì khách hàng cần nhanh chóng:

•           Khóa dịch vụ ngân hàng điện tử (tùy ngân hàng sẽ có những cách khác nhau,  có thể thao tác trên app luôn, nhưng trong lúc bối rối thì nhanh nhất là gọi hotline)

•           Thay đổi ngay mật khẩu

•           Tắt điện thoại, cài đặt lại điện thoại

•           Liên hệ công an địa phương hoặc ngân hàng qua hotline/ đến điểm giao dịch gần nhất

Và để giảm thiểu rủi ro bị mất tiền thì khách hàng có thể tạo cho mình thói quen khi sử dụng app. Đó là:

•           Cài đặt hạn mức giao dịch. Khi giao dịch ngân hàng, khách hàng hoàn toàn có thể điều chỉnh hạn mức giao dịch chuyển tiền, han mức giao dịch online của thẻ trong nước và ngoài nước, hạn mức rút tiền, hạn mức chi tiêu tổng trong ngày để hạn chế tối đa mất mát có thể xảy ra.

•           Chỉ truy cập Website chính thức/ứng dụng ngân hàng điện tử  để thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử;

•           Bĩnh tĩnh xác thực lại thông tin chính chủ yêu cầu bằng cách gọi điện thoại theo số điện thoại được công bố chính thức hoặc/và gặp trực tiếp

•           Tăng cường sử dụng phương thức sinh trắc học (vân tay, FaceID…)

•           Tắt quyền trợ năng (Accessibility) trên các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc không xác định an toàn.

•           Nên thường xuyên cập nhật đầy đủ các bản cập nhật phần mềm từ nhà sản xuất; định kỳ tắt điện thoại và bật lại điện thoại để phòng tránh mã độc thường trú trên bộ nhớ điện thoại.

Hà An
.
.
.