Bình Phước: Cà phê lập đỉnh giá mới, nông dân vui mừng
Giá cà phê ngày 4/4 được thu mua tại các đại lý trên địa bàn tỉnh Bình Phước ở mức 98.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích để nâng cao chất lượng, năng suất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tư ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh có 1,6ha cà phê 5 năm tuổi trồng xen cây ăn trái. Vụ vừa qua, vườn cà phê thu về hơn 5 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lãi hơn 300 triệu đồng. “Sau nhiều năm giá cà phê mới tăng cao như hiện nay nên gia đình tôi rất vui mừng. Hiện gia đình tôi đang tập trung chăm sóc vườn cà phê, đầu tư phân bón nhiều hơn với mong muốn vụ này giá cà phê vẫn ở mức cao” – ông Tư nói.
Hộ ông Bùi Hữu Trọng ở ấp 7, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh có hơn 500 gốc cà phê trên diện tích 0,8ha vụ qua thu hơn 2 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Giá cà phê tăng, người dân tỉnh Bình Phước không chỉ quan tâm đầu tư, chăm sóc vườn cây mà nhiều diện tích tái canh cà phê ứng dụng giống mới, cà phê cao sản chịu hạn tốt, năng suất cao cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần tăng năng suất, giá trị, sản lượng trên thị trường. Ông Tạ Cư ở ấp 7, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh cho biết, 3 năm trước ông trồng thử nghiệm giống cà phê ghép. Vụ mùa vừa qua vườn cà phê cho thu bói được 5 tạ. Mùa mưa tới ông sẽ trồng thêm khoảng 1.000 cây giống này. Tương tự ông Điểu Lên, ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cũng áp dụng trồng giống cà phê cao sản chịu hạn tốt xen trong vườn điều vụ vừa qua trúng mùa cho lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia, ba tháng đầu năm 2024 được xem là thời kỳ vàng son của cà phê robusta trong nước khi giá tăng liên tục và đạt mức kỷ lục mới trong 30 năm qua. Khi giá tăng nông dân được hưởng lợi, nhưng tăng quá thì có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn do thời tiết khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cà phê.
Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của cả nước với hơn 11.000ha. Diện tích cà phê của tỉnh những năm qua giảm do giá luôn bấp bênh. Nhiều nông dân không cầm cự được phải chuyển sang trồng các loại cây khác, phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu kéo theo dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm. Để khắc phục điệp khúc “trồng-chặt, chặt-trồng”, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch, đồng thời khuyến cáo nông dân không trồng cà phê ở những vùng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng thiếu nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng.