Biến ảo hàng lậu, hàng nhái cuối năm

Thứ Năm, 16/12/2021, 11:08

Tại Tọa đàm Trực tuyến "Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng" do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 15/12, đại diện doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý đều cho rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề nhức nhối và cần phải có giải pháp để ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN và người tiêu dùng.

Giả mạo xuất xứ hàng Việt để trốn thuế

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm.

Nhất là các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: Găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống COVID-19, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Địa bàn trọng điểm là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua công tác đấu tranh, cơ quan Hải quan đã nhận diện ra các phương thức thủ đoạn vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế. Đối với hàng hóa quá cảnh là lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản để không khai nhãn hiệu mà chỉ khai báo chung là quần áo, giày dép nhằm vận chuyển hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng sau đó đưa quay trở lại để tiêu thụ nội địa.

Đối với hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa, qua công tác thu thập thông tin, điều tra nghiên cứu nắm tình hình, lực lượng Hải quan phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các DN ở Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế quan.

Trong nước, có một số DN lợi dụng cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để nhập khẩu, mua nguyên liệu, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sau đó sản xuất hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong địa bàn hoạt động hải quan rồi bán ra thị trường nội địa nhằm lừa dối người tiêu dùng là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Cụ thể, trong thời gian từ 18/10/2019 đến 30/4/2020, cả nước đã phát hiện 42 vụ việc về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Trong đó, cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án 2 vụ, chuyển tin báo về tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ.

Đơn cử, ngày 10/12/2020, thực hiện chỉ đạo của Trực ban Tổng cục Hải quan, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra thực tế một lô hàng thuộc loại hình vận chuyển độc lập của Công ty CP Tân Cảng - Tây Ninh. Hàng hóa giả mạo là dép LV, Gucci, Nike, túi xách LV, Gucci, Chanel… trị giá 650 triệu đồng.

Sau khi kiểm tra, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vận chuyển quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu số tiền 140 triệu đồng; buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm. Ngày 27/11/2020, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) kiểm tra kiểm tra lô hàng quá cảnh đóng trong 4 container của Công ty TNHH Swift Freight Logistics.

Hàng hóa là quần áo giày dép giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas; túi xách, thắt lưng nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel, Gucci, trị giá lô hàng 1,6 tỉ đồng. Sau khi kiểm tra, xác minh, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vận chuyển quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu số tiền phạt 360 triệu đồng; buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.

1.jpeg -0
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hàng hoá dịp cao điểm trước và sau Tết.

Bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cứ vào cao điểm mua sắm cuối năm thì hàng giả lại xuất hiện. Trên mạng xã hội việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện; việc quảng cáo hàng giả một cách liều lĩnh, trơ trẽn, thản nhiên… Điều này khiến cộng đồng DN hội viên rất bức xúc vì thiệt hại lớn do không bán được hàng, bị mất uy tín, thương hiệu… điều này có thể khiến DN phá sản.

Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của DN chân chính trong nước. Trước thực trạng đó, bà Hạnh đề nghị cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng giả; truyền thông tốt để người tiêu dùng tẩy chay, lên án hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng cho rằng, năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn diễn ra dai dẳng. Lý giải vấn đề này, ông Dũng cho rằng, hoạt động này còn tồn tại do xuất phát từ sự bất hợp lý về cung-cầu hàng hóa, lợi nhuận lớn, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng… Bên cạnh đó, một số chính quyền, địa phương chưa thực sự quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một bộ phận cán bộ, công chức còn tha hóa, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng tình với những nhận định trên, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Đức Lê cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm chức năng… lừa dối người tiêu dùng trong việc điều trị, nâng cao sức khỏe.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán, giới thiệu các sản phẩm giả, sử dụng địa bàn đi lại khó khăn, khu vực thưa dân cư để cất giấu hàng hóa… phục vụ kinh doanh online. Bên cạnh đó, cá nhân dễ dàng tìm mua sản phẩm từ nước ngoài trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Phan Đức
.
.
.