Bảo đảm nguồn cát san lấp các dự án giao thông trọng điểm
Chỉ tính 4 dự án cao tốc trọng điểm vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2025 cần tới 47,81 triệu m3 cát đắp nền; trong đó 3 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản đã cơ bản có nguồn cát để triển khai. Riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn thiếu hơn 15 triệu m3 cát đắp nền, khiến chính quyền địa phương, các đơn vị thi công như “ngồi trên lửa”.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đang triển khai 8 dự án cao tốc, 5 dự án nâng cấp mở rộng các quốc lộ, với tổng mức đầu tư trên 112.600 tỉ đồng. Trong đó, 8 dự án cao tốc đảm bảo cơ bản hoàn thành giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ năm 2026 với tổng chiều dài 463km, nâng độ dài đường cao tốc ở vùng ÐBSCL lên 554km, đáp ứng sự mong mỏi nhiều năm của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc ở ÐBSCL đồng loạt triển khai, kéo theo nhu cầu vật liệu cát đắp nền vô cùng lớn. Cụ thể, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110km cần khoảng 18,5 triệu m3 cát; cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 189km cần 23,8 triệu m3 cát; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài hơn 27km cần 2,43 triệu m3 cát; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài hơn 26km cần hơn 3 triệu m3 cát… một con số rất lớn.
Bộ TN&MT bước đầu có phương án tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án. Cụ thể, đã cấp 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3 cát, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (cát san lấp là 14 triệu m3). Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; trong khi thời giai tới các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn (khoảng 47,8 triệu m3; trong đó năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng kế hoạch, chịu trách nhiệm toàn diện nhu cầu các loại vật liệu thi công (trong đó có cát đắp nền); lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024 gửi Bộ TN&MT, các địa phương trước ngày 24/3/2023; chỉ đạo các nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương hoặc các doanh nghiệp đang, sẽ khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền để bảo đảm nguồn cung; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, tỉnh đã cấp 6 giấy phép khai thác mỏ đá, với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Nhìn chung mỏ đá ở An Giang khá nhiều nhưng quan điểm của tỉnh là không khai thác quá mức nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan. Tuy nhiên trước tình hình cần vật liệu đắp nền hiện nay và nếu các đơn vị chuyên môn cần tới đá phục vụ cho dự án cao tốc thì tỉnh sẽ tính toán hỗ trợ hợp lý. Ðối với mỏ cát, hiện tỉnh cấp 15 giấy phép với tổng trữ lượng 19 triệu m3; trong đó ưu tiên cho dự án trên địa bàn tỉnh và bố trí hơn 9 triệu m3 cho dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
“Tới đây, An Giang sẽ nâng công suất khai thác tại các mỏ đang hoạt động, tính toán cấp phép cho các mỏ mới, xem xét các mỏ dự phòng… Tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ đánh giá những tác động nếu khai thác quá nhiều trong thời gian ngắn”, ông Trần Anh Thư nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT trên cơ sở kết quả đánh giá toàn bộ trữ lượng các mỏ cát đắp nền, công suất khai thác từng năm (các mỏ đang khai thác, nâng công suất, mỏ mới hoạt động) và biểu đồ nhu cầu vật liệu cho các tuyến giao thông theo từng tháng, thực hiện phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn, phù hợp với tiến độ thi công các dự án. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, những mỏ được cấp phép lại hoặc cấp phép mới chỉ cung cấp cát đắp nền cho các dự án cao tốc và phải dừng khai thác sau khi hoàn thành việc cung cấp cho dự án…