Nghịch lý khó ngờ ở “cường quốc gạo” thế giới

Bài cuối: Làm gì để hương lúa Việt bay xa?

Thứ Tư, 27/04/2022, 07:35

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, lúa giống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo năng suất và chất lượng hạt gạo. Vì vậy, nhiều chuyên gia nông nghiệp tại ĐBSCL đồng quan điểm rằng, rất cần có chính sách đủ mạnh để khai phóng hạt giống, tạo đà cho hương lúa Việt vươn cao, bay xa...

Điều này cũng nhằm góp phần khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua tại vựa lúa gạo quy mô nhất của cả nước, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ-TW về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện ngày 22/4 vừa qua.

2.jpg -0
Cảnh mua bán lúa trong mùa thu hoạch.

“Cùng nhau” để đi xa

“Phải hiểu rằng, chúng ta đang có nhiều bất lợi để từ đó xác lập cho mình cách tăng tốc thích ứng. Có như vậy và phải như vậy, câu chuyện lúa giống, giống lúa của Việt Nam mới có thể rút ngắn được cách biệt”, GS.TS Võ Tòng Xuân như trút tâm tình. Theo ông, nhìn một cách khách quan, công tác giống trong nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng, tuy có những bước tiến, nhưng vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia láng giềng. Theo các tính toán khoa học, chỉ riêng so với Thái Lan, chúng ta đã muộn hơn họ khoảng 50 năm. Đó là khoảng cách không dễ rút ngắn nếu không có kế hoạch “đi tắt đón đầu” hoàn hảo.

Trong quá trình thực hiện bài viết, được tiếp xúc với nhiều chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các ý kiến đều tập trung kiến nghị trung ương cần sớm xây dựng cho được cả hành lang cứng lẫn hành lang mềm để có thể tích hợp, khai thác triệt để thế mạnh từ hệ thống lai tạo giống trong các cơ quan chính quy hiện đại đến lực lượng doanh nghiệp, nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hòa. Thực tế cho thấy bên cạnh thành tựu của các đơn vị chính quy, hiện đại, còn có những nhân tố tích cực từ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, bên cạnh các giống lúa cho gạo nổi tiếng như dòng ST của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, nhóm giống lúa cho gạo ngon mang thương hiệu LT của Tập đoàn Lộc Trời... còn có nhiều giống lúa do nhà nông đã được tập huấn về lai tạo giống do ĐH Cần Thơ tổ chức. Điển hình là gạo “Ngọc Đỏ Hương Dứa” của anh Nguyễn Anh Dũng (Định An, Lấp Vò, Đồng Tháp).

Từ kiến thức học được trong chương trình lai tạo giống trong cộng đồng do ĐH Cần Thơ tổ chức, cộng với đam mê, anh bộ đội xuất ngũ Nguyễn Anh Dũng đã mày mò lai tạo ra giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (90 ngày), gạo có màu đỏ và đặc biệt là khi nấu lên có mùi thơm tự nhiên của lá dứa. Được nhiều người tiêu dùng đón nhận, nhưng anh Dũng không đủ tài chính để hoàn thành quy trình công nhận giống quốc gia- một trong những điều kiện để tổ chức trồng trên diện rộng. Tuy nhiên, anh đã sáng tạo ra cách mở rộng diện tích trồng mà không vi phạm luật bằng cách tự nhân giống lên và hợp tác với nông dân chung quanh trồng để chế biến gạo. Hiện anh thành lập Hợp tác xã tổ chức gieo trồng trên diện tích 500ha, mà gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa không đủ cung ứng, nhưng rất khó để mở rộng diện tích vì chưa hoàn thành quy trình thủ tục hành chính để được công nhận giống chính thức.

Bày tỏ đồng cảm với câu chuyện này, ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp)  gợi mở: “Cần vận dụng bài học trong chuyển giao giống cây xoài cát Hòa Lộc, cát Chu”. Trước đây, khi phát hiện đặc tính ngon của xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, Nhà nước mua đứt bản quyền và giao cho ĐH Cần Thơ nhân giống nhanh, rồi tặng cho các nhà vườn. Nhờ cách làm táo bạo này mà ngày nay chúng ta có vùng nguyên liệu xoài cát đặc sản rộng khắp.

“Nhà nước nên mua đứt bản quyền đối với những sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận như ST25 và Ngọc Đỏ Hương Dứa..., sau đó nhân nhanh giống ra rồi căn cứ vào điều kiện địa lý thích ứng với lúa thơm mà phát cho nhà nông trồng để có vùng nguyên liệu rộng lớn phục vụ cho xuất khẩu”, ThS Tuyên đề xuất và nhấn mạnh: “Cách làm này sẽ chủ động và hiệu quả hơn so với việc đầu tư mua tạm trữ vẫn thường xuyên được áp dụng”.

Xây cao tốc để tăng tốc

Dù đã chuyển toàn bộ hơn 100ha đất làm lúa giống sang trồng chuối công nghiệp theo hợp đồng với doanh nghiệp, nên khả năng trở lại làm lúa giống rất khó xảy ra, nhưng ông chủ cơ sở nhân lúa giống SĐ Nguyễn Lợi Đức vẫn tràn đầy tâm huyết khi đề cập đến chuyện nâng cao chất lượng lúa giống. “Phải mạnh mẽ và dứt khoát dọn sạch kiểu kinh doanh “rác” về lúa giống”, giọng ông Đức sôi nổi: “Lúa giống chất lượng kém không chỉ đánh vào lợi nhuận chủ lực của người trồng lúa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhiều người trong nông hộ và các hoạt động của xã hội khác, mà còn bào mòn hơn nữa chất lượng hạt gạo trên thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Đồng quan điểm này, GS.TS Võ Tòng Xuân còn đề xuất sớm có biện pháp dọn sạch rác trong kinh doanh lúa giống lẫn gạo giả các thương hiệu nổi tiếng, mà điển hình là nạn làm giả nhãn mác gạo ST25. “Nếu không có giải pháp đủ trấn áp các hành vi vi phạm và răn đe các mầm móng, chúng ta không chỉ làm thui chột đi nhiệt tình sáng tạo của nhóm nghiên cứu của kỹ sư Cua với những dòng ST thế hệ mới, mà đáng lo hơn là sẽ “đóng cửa” các nhân tố tích cực mới xuất hiện”, GS.TS Võ Tòng Xuân bày tỏ lo lắng.

Dưới góc nhìn của chuyên gia lai tạo giống, TS, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch đã đề xuất thiết lập xa lộ để xác doanh nghiệp tăng tốc kinh doanh chuyên nghiệp hơn. Theo TS Trần Ngọc Thạch, ngày nào, doanh nghiệp chưa bị ràng buộc để đoạn tuyệt với lối kinh doanh lạc hậu: Vẫn trông cậy và phó mặc cho hệ thống thương lái tổ chức thu mua lúa nguyên liệu theo hình thức đổ chung tất cả các giống lúa thỏa thuận được giá vào chung một ghe, thì ngày đó chất lượng gạo Việt Nam còn tiếp tục gặp khó.

“Ngay cả khi chúng ta có lúa giống đạt chất lượng số 1 thế giới mà các doanh nghiệp vẫn kinh doanh lạc hậu, thì vẫn chưa thể khai phóng gạo Việt Nam ngay trên ao làng chứ nói chi đến ra biển lớn” - xin mượn lời TS Trần Ngọc Thạch để kết thúc loạt bài này như thông điệp gởi đến cơ quan chức năng xem xét và sớm có chuỗi giải pháp thiết thực để cải thiện nghịch lý nổi bật, khó ngờ và đang gây bức xúc nhất hiện nay: “Cường quốc gạo – thiếu lúa giống và giống lúa!”.

3 không, 1 có

“Chuyện cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng lại thiếu lúa giống và giống lúa như Việt Nam là một tệ hại mà nguyên nhân là do chúng ta đang điều hành, quản lý theo kiểu “3 không, 1 có” trong các cơ quan cấp thẩm quyền. Trước hết là bỏ mặc nông dân và doanh nghiệp chân chính tự bơi trong thị trường... thiếu lành mạnh. Kế tiếp là không ngăn chặn triệt để nạn gian thương làm giả lúa giống, gạo có thương hiệu và nhất là không tạo điều kiện chi các giống lúa gạo nổi tiếng của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Trong khi đó, ngược lại, chỉ tạo ra khó dễ cho người lai tạo mà câu chuyện của nhóm nghiên cứu giống lúa ST của kỹ sư Hồ Quang Cua là điển hình”, GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích tồn tại cần khắc phục.

Bài cuối: Làm gì để hương lúa Việt bay xa? -0
GS.TS Võ Tòng Xuân vẫn luôn trăn trở trước nghịch lý “Cường quốc gạo nhưng Việt Nam lại thiếu lúa giống và giống lúa”.

GS.TS Võ Tòng Xuân cùng nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm với chúng tôi rằng, việc sớm loại bỏ những nghịch lý nêu trên cũng là góp phần tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ-TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện ngày 22/4 vừa qua.

Nhóm PV
.
.
.