Thương mại điện tử - Không để người tiêu dùng “nhẹ dạ” và chịu thiệt

Bài 1: Mua hàng online - vàng thau lẫn lộn

Thứ Bảy, 11/05/2024, 07:42

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Chỉ cần ngồi ở nhà, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm được tất cả các loại hàng hoá từ lương thực, thực phẩm đến thiết bị điện tử… Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng.

Tiền mất, tật mang

Trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu viết, phóng viên Báo CAND đã trò chuyện với một số trường hợp từng là nạn nhân của mua hàng online, trong số đó có chị Nguyễn Thị H, nhân viên văn phòng sống tại Hà Nội. 

“Sau lần mua phải một số mặt hàng kém chất lượng trên trang Facebook của người quen, tôi rất dè dặt trong việc mua hàng trên mạng…”- chị H cho biết. Chị kể, trước đây chị rất thích mua hàng online bởi sự tiện lợi, có thể ngồi ở nhà hoặc văn phòng mà vẫn mang được “cả thế giới” về nhà. Để tránh mua phải các mặt hàng kém chất lượng, thời điểm đó, chị thường tìm mua các sản phẩm cần thiết trên trang Facebook của những người quen. Nhưng sau lần đặt mua hai bộ quần áo của một người quen thì chị đã hoàn toàn mất niềm tin.

Bài 1: Mua hàng online - vàng thau lẫn lộn -0
Bên cạnh sự tiện lợi của thương mại điện tử, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng. 

“Khoảng cuối tháng 3/2024, tôi đặt mua hai bộ quần áo trên trang Facebook của người quen. Tính ra, tôi cũng là khách hàng “thân thiết” của shop bởi trung bình mỗi tháng cũng mua của cửa hàng này vài triệu đồng tiền hàng. Khi giới thiệu về sản phẩm trên trang Facebook cá nhân, chủ shop đăng tải hình ảnh một cô người mẫu mặc một chiếc áo kẻ sọc, khá bắt mắt và trẻ trung nhưng không ghi rõ chất liệu của chiếc áo. Thời tiết đã vào hè, tôi nghĩ rằng shop đang rao bán các loại sản phẩm áo phông nên tự tin đặt 2 chiếc áo”- chị H cho biết. Thế nhưng, khi nhận sản phẩm, chị đã thất vọng hoàn toàn. Hai chiếc áo chị nhận được lại là những chiếc áo len ngắn tay; còn hai chiếc quần được quảng cáo là hàng Quảng Châu (Trung Quốc) thì chất vải mềm nhũn, nhăn nhúm, chẳng khác gì những chiếc quần đổ đống được bày bán la liệt tại các vỉa hè của Hà Nội. Quá thất vọng, chị H liên hệ với chủ shop qua tin nhắn mesenger thì nhận được câu trả lời lạnh lùng của nhân viên cho biết, nếu có nhu cầu bán lại thì shop sẽ bán lại hộ với giá rẻ chứ không nhận lại hàng. “Một lần mất tín, vạn lần mất tin”, sau lần đó, chị H đã bỏ theo dõi trang bán hàng trên; đồng thời cũng hạn chế mua hàng trên mạng xã hội.

Những năm trở lại đây, mua sắm online càng trở nên phổ biến. Ngoài việc mua hàng của các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiktok thì với việc “người người, nhà nhà đều có thể kinh doanh online”, khách hàng càng có thêm nhiều sự lựa chọn. Sự mở rộng của thị trường, sự thuận tiện trong việc mua sắm đã tạo điều kiện cho khách hàng nhưng đồng thời cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng rơi vào “mê hồn trận” trên không gian mạng. Với những lời quảng cáo có cánh về chất lượng sản phẩm, giá cả và các chương trình khuyến mại, không ít người tiêu dùng đã “móc hầu bao” để mua hàng mà không được kiểm chứng về chất lượng sản phẩm.

Sau nhiều lần mua phải các mặt hàng hàng kém chất lượng trên mạng xã hội, anh Nguyễn Văn M (trú tại Hà Nội) đã rút ra được một số kinh nghiệm khi mua hàng. Theo anh, hiện nay trên sàn thương mại điện tử đã xuất hiện tình trạng mua đơn hàng ảo… Để không rơi vào cái bẫy này, theo anh M, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần phải xem tỷ lệ đánh giá sản phẩm và tỷ lệ đơn hàng được “chốt”... Nếu thấy số lượng hàng hoá bán ra lên đến vài nghìn sản phẩm nhưng chỉ có vài đánh giá thì khách hàng nên đọc chi tiết các đánh giá của phần bình luận… Trong trường hợp thấy có nhiều đánh giá nhưng các thông tin trong phần bình luận lại tương tự giống nhau, không đi sát với sản phẩm…, thì khách hàng cần phải kiểm tra thông tin về những tài khoản bình luận đó. Các tài khoản này phải có ảnh, lịch sử trò chuyện của người dùng với bạn bè.

Những con số biết nói

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá nhân. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số quốc gia. Điều đó được thể hiện qua những con số cụ thể, nếu như năm 2018, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 8 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã đạt 16,4 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt mức 30 tỷ USD.

Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng tăng trưởng về số người mua hàng trực tuyến bởi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân đã tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số, bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi kinh tế số, thương mại điện tử phát triển. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh đồng thời cũng là nhờ dân số trẻ, khả năng am hiểu công nghệ, mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng; tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và sự thay đổi trong thói quen mua sắm. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng trong việc phát triển thương mại điện tử, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới và một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhìn chung còn hạn chế, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng chỉ 7,2%, trong khi chỉ số này của Trung Quốc chiếm 27,2%.

Tính đến tháng 12/2023, theo số liệu do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đưa ra thì Việt Nam có đến 75% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị đạt 260-285 USD/người; phương tiện điện tử được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch này chính là thiết bị di động. Trong đó, 91% người dùng sử dụng thiết bị di động để mua sắm, đặt hàng trực tuyến; có 102.891 website thương mại điện tử, 8.626 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 1.844 ứng dụng bán hàng thương mại điện tử, 955 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 80.294 tài khoản tổ chức và 26.184 tài khoản cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; các sản phẩm thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Shopee, Tiktok shop, Lazada, Tiki, Sendo. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, thương mại điện tử đang mang lại cả cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Bài 1: Mua hàng online - vàng thau lẫn lộn -0
Nhóm học sinh mua các hóa chất trên mạng xã hội về chế tạo pháo nổ.

Cùng với việc một số người tiêu dùng thiếu cẩn trọng để rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi tham gia mua hàng trên mạng xã hội thì thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử để mua hàng cấm. Qua công tác nghiệp vụ, mới đây, Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thu thập thông tin, tài liệu liên quan hơn 4.000 đối tượng đặt mua tiền chất nghi vấn dùng để chế tạo pháo nổ trên sàn thương mại điện tử Shopee. Từ đó, Phòng 4 đã tham mưu với lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có văn bản gửi Công an 32 đơn vị địa phương để xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định. Đến nay, có 10 địa phương đã có văn bản trả lời về kết quả xử lý; các đơn vị đã tiến hành mời làm việc đối với 406 trường hợp, tổng thu giữ được 620 quả pháo tự chế, hơn 25kg tiền chất, tiến hành xử phạt hành chính đối với 8 đối tượng. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là học sinh từ 14-16 tuổi nên đã yêu cầu viết cam kết không tái phạm, thông báo, bàn giao cho gia đình quản lý.

Để tránh sự phát hiện của Công an và lực lượng chức năng, các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó. Vì thế, công tác đấu tranh của lực lượng Công an và các đơn vị chức năng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Xuân Mai
.
.
.