Áp dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế thương mại điện tử

Thứ Năm, 03/11/2022, 06:50

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng được mở rộng và trở nên phổ biến. Sự bùng nổ của TMĐT cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn các vấn đề phức tạp. Một trong số đó là vấn đề quản lý, chống thất thu thuế trong TMĐT.

Xử phạt nhiều cá nhân kinh doanh TMĐT trốn thuế

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 - Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh linh kiện điện thoại di động tại đường Quang Trung, TP Vinh do ông L.A.T., sinh năm 1992, làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, ông T đang vận hành các tài khoản Fanpage Facebook, Tiktok để thực hiện các hoạt động quảng cáo, chào bán các sản phẩm linh kiện điện thoại trên môi trường Internet. Đáng lưu ý, Đoàn kiểm tra phát hiện ông T đang kinh doanh 40 tai nghe không dây là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Apple đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Áp dụng công nghệ thông tin để chống thất thu thuế thương mại điện tử -0
Thương mại điện tử bùng nổ đã mang lại cơ hội tăng trưởng doanh thu, tăng lợi nhuận cho nhà kinh doanh.

Ngoài ra, ông T. cũng thừa nhận mình là một “KOL” (Key opinion leader - người có sức ảnh hưởng, lượt tương tác lớn với gần 1 triệu lượt follow, 15 triệu lượt like ở mạng xã hội Tiktok). Thời gian qua, ông T. đã sử dụng “độ phủ”, lượt tương tác trên “kênh” của mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh trên môi trường Internet. Do hiểu biết pháp luật về TMĐT còn hạn chế nên ông không biết quyền và nghĩa vụ phải nộp thuế online đối với cơ quan Thuế cũng như để xảy ra việc buôn bán các loại hàng hóa vi phạm. Ông T. thừa nhận các sai phạm của mình, cam kết sẽ khắc phục. Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc, ghi nhận các nội dung và chuyển toàn bộ thông tin, dấu hiệu ban đầu cho cơ quan Thuế để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ xác minh, truy thu thuế theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Hường, Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong TMĐT hiện nay đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức cho các lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm thường là những người có trình độ, lợi dụng triệt để sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm của mình như mở nhiều tài khoản, đăng ký các thông tin “ảo”, khởi tạo nhanh và xóa dấu vết cũng nhanh, cài đặt chế độ ẩn bình luận, giấu số điện thoại liên hệ...

“TMĐT là lĩnh vực kinh doanh mới đem lại nhiều lợi ích nhưng các tổ chức, cá nhân khi tham gia cần tìm hiểu kỹ để chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Thời gian tới, QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để đẩy mạnh việc thu thập, thẩm tra xác minh thông tin, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động TMĐT, nhất là các vi phạm mang tính chất tổng thể, chuyên sâu, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp người tiêu dùng; thúc đẩy TMĐT phát triển theo chiều hướng tích cực”, Cục trưởng Nguyễn Văn Hường cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD. Do vậy, xu hướng lẫn tiềm năng mở rộng của thị trường này rất lớn.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam tương đối thuận lợi để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các bên. Về quản lý thuế, thất thu thuế trong TMĐT, về phía Bộ Công Thương, là phải đi từ góc độ hỗ trợ. Hỗ trợ cho các bên vì trong hoạt động thuế điều quan trọng nhất là các chứng từ, các cơ chế hỗ trợ.

Như đối với thuế trong TMĐT các chứng từ bán hàng, đơn hàng thì hiện nay vẫn đang thiếu một cơ chế xác nhận chứng từ điện tử để khớp được đầu vào đầu ra. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp khi kê khai thuế gặp khó khăn trong việc chứng minh đầu vào - đầu ra của chứng từ đó. Do vậy, vừa qua, khi tiếp nhận phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp TMĐT, cơ quan Thuế có ghi nhận và cũng đưa ra một nhịp là đầu tiên để các sàn phối hợp cung cấp thông tin. Từ câu chuyện này thì chúng ta cũng phải đẩy mạnh trục hỗ trợ kê khai thuế trong TMĐT. Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng một cơ chế cả về công nghệ và chính sách để làm sao tiếp cận với thuế trong TMĐT ở góc độ hỗ trợ. 

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, trên cơ sở thông tin quản lý của các cơ quan chức năng, đến giữa năm 2022 tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn TMĐT khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Trong khi đó, việc thu thuế từ các cá nhân kinh doanh trên TMĐT cũng được cho rằng còn quá ít so với thực tế. Tính lũy kế hết tháng 6/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số khoảng 923 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 358 tỷ đồng bằng 136% so với số thu năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với doanh số thị trường TMĐT ở Việt Nam năm vừa qua đạt khoảng 13,7 tỷ USD (tương đương gần 325.000 tỷ đồng) thì con số thuế đã thu này là quá ít.

Bà Cúc cho biết, sau hơn 7 tháng triển khai Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 đến ngày 25/10, đã có 37 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) trên khắp thế giới đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN của Tổng cục Thuế, với số thuế đã kê khai, nộp thuế trên 3.100 tỷ đồng. Trong đó, một số NCCNN kê khai nộp thuế lớn như Meta (Facebook) nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp gần 1.000 tỷ đồng… Còn trong nước, các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ TMĐT, cung cấp dịch vụ số đã nộp 531 tỷ đồng.

Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực, song bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế; xác định được căn cứ tính thuế; quản lý các đối tượng, quản lý dòng tiền khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Lưu Hiệp
.
.
.