Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 6 tháng xuất siêu 3,36 tỷ USD

Thứ Năm, 19/07/2018, 08:26
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong tháng 6-2018 tổng trị giá xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt 38,89 tỷ USD. 

Cụ thể trong tháng 6, tổng trị giá xuất khẩu (XK) hàng hóa của cả nước đạt 19,85 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu (NK) hàng hóa của cả nước đạt 19,05 tỷ USD. 

Sau ½ chặng đường của năm, trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam đã gần đạt mức trị giá XNK của cả năm 2012. Tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước trong 6 tháng/2018 đạt 225,02 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và gần với mức trị giá của cả năm 2012 (228,31 tỷ USD). Trong đó trị giá hàng hóa XK đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3% và nhập khẩu đạt 110,83 tỷ USD, tăng 9,6%.

Với kết quả XNK nêu trên, cán cân thương mại hàng hóa của nước trong tháng 6-2018 có mức thặng dư 799 triệu USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 2 quí đầu năm 2018 đạt con số 3,36 tỷ USD.

Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng trị giá XK hàng hóa của cả nước sang tất cả các thị trường. Trị giá XK hàng hóa cả nước trong tháng đạt 19,85 tỷ USD. Trong tháng, một số nhóm hàng xuất khẩu suy giảm so với tháng trước như gạo giảm 110 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 98 triệu USD…

Thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, XK một số nhóm hàng vẫn tăng trưởng rất tốt như hàng dệt may tăng 391 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện tăng 93 triệu USD…

Trong nửa đầu năm 2018, trị giá  XK của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3%, tương ứng tăng 15,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó các nhóm hàng đóng góp lớn nhất lần lượt là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,13 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác tăng 1,89 tỷ USD, hàng dệt may tăng 1,86 tỷ USD, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,81 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 750 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 655 triệu USD, giày dép các loại tăng 650 triệu USD, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 568 triệu USD, gạo tăng 495 triệu USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 455 triệu USD, hàng thủy sản tăng 401 triệu USD…

Trong nửa đầu năm 2018 xuất khẩu sang 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đạt 101,04 tỷ USD, chiếm 88% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu sang 10 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó,  thị trường Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng trị giá XK hàng hóa của cả nước sang tất cả các thị trường.

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2018, cơ cấu XK tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Theo đó, XK các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa XK (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017.

Đồng thời, tỷ trọng XK đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng hai nhóm hàng này đạt lần lượt là 81,9% và 11,8% (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, điểm tích cực trong XK nửa đầu năm được thể hiện khá rõ khi khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng  XK chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Nga tăng 25,4%...

Trước kết quả XNK 6 tháng đầu năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho rằng, cả DN FDI lẫn DN nội địa đều rất quan tâm đến tín hiệu thị trường, đầu tư sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, thủy sản, Việt Nam có năng lực sản xuất tăng cao. 

Về phát triển thị trường nước ngoài, không chỉ các thị trường Việt Nam có ký kết FTA mà ngay cả các thị trường không có FTA cũng ghi nhận sự tăng trưởng XK mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD

Bộ Công Thương nhận định, nửa cuối năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho XK. Theo chu kỳ, thông thường XK nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Dự báo, kim ngạch XK cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Một số mặt hàng XK có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt gồm: Điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt, may ước đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%).

1 tuần nhập khẩu 1.011 chiếc ôtô nguyên chiếc

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ ngày 6-7 đến ngày 12-7, số lượng ôtô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm bằng ½ số lượng nhập khẩu trong tuần trước. 

Cụ thể, nhập khẩu hơn 1.011 chiếc tương ứng tổng trị giá đạt 26,9 triệu USD. Trong khi đó, ôtô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tuần trước (từ ngày 29-6-2018 đến ngày 5-7-2018) là 2.070 chiếc với tổng trị giá đạt 33,5 triệu USD. 

Trong tuần qua, ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam có tới 65% xe xuất xứ từ Thái Lan (tương ứng 654 xe), có 21% xe xuất xứ từ Indonesia (tương ứng 211 xe), có hơn 4% xe xuất xứ từ Trung Quốc (44 xe)… 

Sau một thời gian dài không có hoạt động xuất nhập khẩu, xe ôtô trên 9 chỗ ngồi đã được đăng ký làm thủ tục nhập khẩu về Việt Nam trong tuần qua. Ngoài ra, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe ôtô tải và xe ôtô loại khác (xe chuyên dụng các loại) vẫn tiếp tục được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu. 

L.Hiệp

Phan Đức
.
.
.