Xuất khẩu đầu năm với nhiều tín hiệu khả quan

Thứ Hai, 01/03/2021, 08:32
2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, ở chiều ngược lại 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thì đây là kết quả tương đối khả quan đối với kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm.

Xuất siêu 1,29 tỷ USD trong 2 tháng

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của cả nước đạt mức tăng cao, ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, XK đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD. 

2 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo và điện tử, điện thoại tăng mạnh.

Trong 2 tháng có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch XK. Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch XK lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch XK, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%... 

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, 2 tháng đầu năm, XK nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo và điện tử, điện thoại tăng mạnh. Điều này chứng tỏ có sự dịch chuyển về cơ cấu sản xuất hàng hóa trong nước theo chiều hướng tốt hơn cho Việt Nam, tập trung mảng chế biến chế tạo mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành Công nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, kim ngạch XK của một số mặt hàng nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%. Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3%.

Ông Trần Văn Hùng, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, Cục Hải quan Lạng Sơn Cục Hải quan Lạng Sơn đã làm thủ tục hải quan cho 1.283 DN, với kim ngạch XNK 473,4 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, hàng hóa được thông quan nhanh chóng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản và quả tươi như: thanh long, dưa hấu, chuối quả, xoài, mít, tinh bột sắn... 

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) Lê Phương cho biết, từ ngày 1/1 đến 15/2, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã thông quan cho hơn 371.000 tấn hàng nông sản, kim ngạch gần 140 triệu USD. Trong đó, hàng XK gần 270.000 tấn, kim ngạch 113 triệu USD. Các mặt hàng XK chính là thanh long, dưa hấu, chuối, mít, lạc nhân, hoa tươi...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhóm hàng thuỷ sản 2 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 0,7 %, được coi là tín hiệu tích cực cho XK thủy sản Việt Nam. Đối với các thị trường XK, kết quả trong tháng 2 cũng có tín hiệu tích cực với Mỹ, Nga, Đài Loan. 

Đặc biệt, XK sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA, và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… đều đang có tác động tốt đối với XK thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới. Dự báo XK thủy sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Nhìn nhận về kết quả XK 2 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, đó là sự khởi đầu ấn tượng. Hàng hoá lưu thông, XK thuận lợi đã mang lại tín hiệu tích cực và khả quan cho hoạt động XNK trong năm 2021.

Đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu, mở rộng thị trường

Về những khó khăn trong hoạt động XNK thời gian vừa qua, ông Trần Thanh Hải cho rằng, từ cuối năm 2020 đến nay dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến XK hàng hóa. Bên cạnh đó, khâu kết nối cung - cầu logistics cũng là một trong khó khăn lớn đối với DN. Bởi hiện nay vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều. 

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm, cộng với những cơ hội mà các FTA đã đi vào thực thi và được ký kết như EVFTA, RCEP và UKVFTA… được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động XNK của các DN Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Do vậy, năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5%. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, đây cũng là chỉ tiêu hợp lý để phấn đấu. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến nghị, dự báo tác động của dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Do vậy, các DN cần tiếp tục thực hiện các kênh tiếp thị trên môi trường số, tìm hiểu và vận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu DN.

Lưu Hiệp
.
.
.