Xử lý nợ xấu chưa có hiệu quả thực chất

Thứ Hai, 08/08/2016, 09:34
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2015 tại Ngân hàng Nhà nước và 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, rất nhiều bất cập được chỉ ra, dù 10/11 tổ chức được kiểm toán có kết quả kinh doanh lãi. Tỷ lệ nợ xấu được Tổng Công ty Mua bán nợ (VAMC) thực chất xử lý chỉ chiếm con số cực kỳ nhỏ: 0,65% trong số tổng nợ xấu mua về.

Tại báo cáo kiểm toán, các đơn vị đứng đầu trong 10 đơn vị kinh doanh có lãi bao gồm BIDV là 6.316 tỷ đồng, VCB 5.843 tỷ đồng, Vietinbank 7.303 tỷ đồng..., riêng Công ty Chứng khoán MHB (MHBS) thua lỗ 167 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt của một số đơn vị thì hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý.

Tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31-12-2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013). Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống theo đánh giá của NHNN là 4,83%.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh (tại 31-12-2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013).

Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC: bán 79,61 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1 nửa trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014, nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chỉ chiếm tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn 0,65%.

Các tổ chức tín dụng được đánh giá là phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ (Vietinbank 20,5 tỷ đồng, BIDV 36,5 tỷ đồng, VCB 41,3 tỷ đồng).

VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn (số dư tiền gửi có kỳ hạn bình quân năm 2014 tại các tổ chức tín dụng là 13.226 tỷ đồng), làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN.

Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn. Agriseco thực hiện lệnh mua chứng khoán cho khách hàng khi tài khoản của khách hàng không đủ tiền.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng VAMC xử lý nợ xấu chưa hiệu quả. (Ảnh chỉ có tính minh họa).

Công ty Chứng khoán MHB vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi (cho khách hàng nợ tiền mua chứng khoán 282,72 tỷ đồng; cho vay mua chứng khoán thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư 53,16 tỷ đồng, thông qua hợp đồng uỷ thác đầu tư 70,4 tỷ đồng);

kinh doanh thua lỗ không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng, không quản lý tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán, gia hạn hợp đồng mua bán lại chứng khoán có kỳ hạn không đúng hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết: Một số đơn vị quản lý tiền mặt, tiền gửi chưa chặt chẽ; tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao (BIC tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu bảo hiểm gốc là 21,9%; VBI tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu là 26,57%);

một số khoản phải thu tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm, đơn cử Vietinbank còn khoản thu nhập từ cổ tức năm 2012 của Ngân hàng TNHH Indovina 83,31 tỷ đồng, năm 2013 là 115,7 tỷ đồng; MHBS còn khoản cho khách hàng nợ, vay để mua chứng khoán không đúng quy định 406,28 tỷ đồng từ năm 2010.

Các đơn vị cũng được đánh giá là hạch toán, ghi nhận tài sản cố định chưa kịp thời, đúng quy định. Một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng; một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp, suy giảm giá trị, như: BIDV đầu tư vào chứng khoán vốn sẵn sàng để bán 611 tỷ đồng, giá trị suy giảm 34%;

Vietinbank đầu tư vào cổ phiếu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên 101 tỷ đồng, giá trị suy giảm 69,3%; Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa 22,29 tỷ đồng, giá trị suy giảm 51,9%; Công ty Xi măng Hà Tiên 1 là 21,74 tỷ đồng, giá trị suy giảm 33,7%;

BIC đầu tư vào cổ phiếu Công ty cổ phần Phát triển Đông dương xanh 26,09 tỷ đồng từ năm 2009 nhưng phải trích dự phòng giảm giá đầu tư tại 31-12-2014 là 16,55 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán VCB đầu tư vào các công ty chưa niêm yết vượt 20% vốn chủ sở hữu 84,49 tỷ đồng; VCB có 28 lô đất với diện tích 3,8ha chưa sử dụng. Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng hầu hết các đơn vị xác định doanh thu, chi phí chưa đúng quy định, khiến cơ quan này phải điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 17,28 tỷ đồng, giảm lợi nhuận sau thuế 219,59 tỷ đồng.

Về thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, Kiểm toán Nhà nước đánh giá là quá trình triển khai và thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như việc tăng vốn điều lệ; một số quy định trong việc bán nợ cho VAMC;

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải thực hiện chính sách về cho vay nông nghiệp nông thôn, trong khi vẫn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN;

việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và đảm bảo các mục tiêu hiệu quả hoạt động như cam kết tại Phương án cơ cấu lại; quy định tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần trên 5% tại các tổ chức tín dụng khác phải thoái vốn trong thời gian 1 năm sẽ ảnh hưởng đến giá bán, lợi ích của tổ chức tín dụng.

V. Hân
.
.
.