Xếp hạng đầu bếp để phát triển du lịch ẩm thực Việt

Thứ Ba, 01/12/2020, 08:33
Năm 2020 là năm thứ 2 Việt Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới xếp hạng là điểm đến hàng đầu châu Á về du lịch ẩm thực.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, du lịch ẩm thực Việt Nam vẫn còn cần nhiều tiềm năng và cần được thúc đẩy để phát triển hơn nữa. Việc xếp hạng đầu bếp là một trong những giải pháp cần thiết lúc này.

Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Bình cho biết, Tổng cục Du lịch Việt Nam xác định ẩm thực là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch nhằm thu hút khách, tạo doanh thu, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. 

Với khách du lịch, ăn uống không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu mà cần được nâng lên thành nghệ thuật. Ẩm thực là một nghệ thuật đặc biệt. Nếu các môn nghệ thuật khác như tranh ảnh, nhạc họa đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người thì ẩm thực lại có đích đến đầu tiên là… cái dạ dày, sau đó mới đến nhu cầu thưởng thức món ăn ngon, trình bày đẹp… 

Nghệ thuật nấu ăn và cách ăn uống của người Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế khen ẩm thực Việt Nam ngon, nhiều nhà hàng của người Việt Nam mở ra ở các nước thu hút đông thực khách bản xứ. 

Tại các festival quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, gian hàng ẩm thực Việt Nam luôn là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn nhất. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của ngành Du lịch, hệ thống cơ sở ăn uống, đặc biệt là nhà hàng, quán bar ngày càng được củng cố, phát triển mạnh cả về số lượng, quy mô, loại hình phục vụ, trong đó, tăng mạnh nhất là tại các khu du lịch, khu đô thị và các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Nam…

Đội ngũ đầu bếp có yếu tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề là phải tìm cách thúc đẩy phát triển, truyền tải nhanh nhất giá trị của ẩm thực Việt Nam hơn nữa. 

Góp phần quan trọng trong hoạt động này là các đầu bếp nhưng đây cũng là nghề đặc biệt. Đã có một thời gian dài, nghề đầu bếp không được coi trọng lắm. Du lịch phát triển, du cầu ăn mặc cao hơn, nghề đầu bếp cũng được đánh giá cao hơn, thậm chí còn được coi là nghề tiêu biểu. Có những đầu bếp giỏi được nhiều khách sạn tranh nhau mời về. Hiện nay, số lượng người làm nghề đầu bếp rất lớn, nhiều người đã được vinh danh ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều danh hiệu là do chính các đầu bếp tự phong. Đã đến lúc, chúng ta cần có những tiêu chí rõ ràng xác định ai là người giỏi, ai chưa giỏi, ai là nghệ nhân… 

Về vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng bộ tiêu chí để xếp hạng đầu bếp. Sau khi lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ người làm nghề, cơ quan quản lý, các đơn vị, hiệp hội khác, Hiệp hội Du lịch Việt Nam mới triển khai. Nhưng, đây là một quá trình dài và không thể làm nhanh, hoàn thiện ngay lập tức được.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đầu bếp du lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp hữu hiệu nhất là xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật chế biến món ăn và thực hiện việc xếp hạng đội ngũ đầu bếp. Cần xem xét thực trạng về quá trình thực hiện công việc này qua các giai đoạn và những vấn đề đặt ra có thể triển khai áp dụng một cách hiệu quả trong thực tế.

Ngọc Nguyễn
.
.
.