Xây dựng chuỗi giá trị để đẩy mạnh xuất khẩu tôm

Thứ Năm, 28/03/2019, 10:13
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019 ở Sóc Trăng vào trung tuần tháng 3 vừa qua, một số tồn tại, thách thức đối với ngành tôm đã được nêu ra. 


Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2019 trên 4,1 tỷ USD, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa đề ra 7 nhóm giải pháp, gồm: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; công tác tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị để gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ; tăng cường kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, vật tư đầu vào và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm tôm, nhất là hóa chất, kháng sinh cấm; tổng kết, nhân rộng, phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, đặc biệt mô hình nuôi tôm theo 2-3 giai đoạn; tăng cường công tác quan trắc môi trường, giám sát, kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch trên tôm nuôi; phát triển thị trường, xử lý các rào cản kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm; xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam nuôi sinh thái, hữu cơ để quảng bá ra thị trường thế giới và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu…

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trước tác động của thị trường, sự tích cực vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, ngành tôm đã kịp thời khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp giữ vững thị trường, phát triển khá vào những tháng cuối năm 2018.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên bể nổi ở tỉnh Bạc Liêu.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp về quản lý tôm giống giữa các địa phương, nhằm tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường công tác quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi… nên dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời. 

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, tín hiệu đáng mừng cho ngành tôm năm 2018 nhờ có đóng góp từ mô hình nuôi tôm “3 sạch” (nước sạch, đáy sạch, tôm sạch) duy trì đến nay. Đầu năm 2019, tôm nguyên liệu vẫn có giá cao. Chính nhờ giá tôm tăng cao nên vùng nuôi tăng gia sản xuất, tạo nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho doanh nghiệp xuất khẩu. 

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tôm toàn ngành năm nay đạt 4,2 tỉ đô la. 

“Ngành tôm Việt Nam năm 2018 xuất khẩu giảm là do giá giảm, cho nên chưa phát huy hết thế mạnh khâu sản xuất tôm. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến việc cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan kém dẫn đến xuất khẩu tôm 2018 không đạt như kỳ vọng. Năm nay khả năng ngành tôm sẽ đạt mức tăng trưởng 12%, nếu giá cả thị trường cải thiện và tăng được khả năng cạnh tranh của ngành”, ông Hòe lý giải thêm cơ sở mà VASEP kỳ vọng.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019 ở Sóc Trăng vào trung tuần tháng 3 vừa qua, một số tồn tại, thách thức đối với ngành tôm đã được nêu ra. 

Theo đó, vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa và cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 - 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ. Giá thành sản xuất tôm vẫn cao hơn các nước khác nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất… 

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm của Việt vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá; giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp. Các thị trường tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Ta (Sóc Trăng) kiến nghị, Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ để người nuôi, doanh nghiệp tập trung sản xuất tôm sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế và dễ truy xuất nguồn gốc, giá thành cạnh tranh… để tôm vào siêu thị cao cấp, bán giá cao, xuất khẩu ổn định.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành tôm Việt Nam đã qua hơn 20 năm phát triển. Về phương thức chế biến, Việt Nam thuộc nhóm tiên tiến trên thế giới. Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 4,2 tỉ USD trong năm 2019, vấn đề đầu tiên là hình thành được chuỗi nuôi tôm theo hình thức khép kín. Người nuôi tôm liên kết với các HTX, các doanh nghiệp đồng bộ từ khâu nuôi trồng, chế biến đến thương mại.

“Chúng ta phải tuân thủ tất cả công đoạn theo quy trình kỹ thuật từ con giống, thức ăn, xử lý môi trường… thì hiệu quả nuôi tôm ngày càng phát triển, thị trường xuất khẩu ổn định”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.           

Đức Văn
.
.
.