Xăng tăng giá mạnh, nhiều mặt hàng dự báo sẽ tăng giá

Thứ Sáu, 05/04/2019, 09:15
Chỉ trong một thời gian ngắn giá điện tăng 8,36%, giá xăng đến ngày 2-4 cũng tăng mạnh. Theo dự báo việc giá điện và xăng cùng tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 với mức tăng dự kiến khoảng 0,2%. Nhiều mặt hàng cụ thể đã được các chuyên gia chỉ ra sẽ tăng giá.


Ngày 4-4, chị Nguyễn Thị Hoa chủ cửa hàng tiện lợi ở Hà Đông cho biết, đợt này giá cả hàng hoá tiêu dùng bắt đầu tăng. Một số nhà cung cấp đã thông báo tăng giá bán. Đến hôm nay, sữa, mỳ chính, mỳ tôm, nước đóng chai và một số mặt hàng khác đã tăng rồi. 

Đơn cử như Vinamilk thông báo tăng giá đồng loạt các sản phẩm như sữa ông thọ tăng 1.000 đồng/ hộp; sữa hộp giấy 1 lốc 4 hộp tăng 1.000 đồng/ lốc, giá bán hiện nay 1 lốc 4 hộp 180ml là giá 29.000 đồng. Điện, xăng, gas tăng giá tác động ngay vào các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, mỗi thứ tăng một ít nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn.

Một số mặt hàng đang rục rịch tăng giá, tuy nhiên rau, củ, quả tại Co.opmart Hà Nội lại giảm giá sâu.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trinh bán rau tại chợ tạm ở Văn Nội (Phú Lương, Hà Đông) cho biết, rau xanh mấy hôm nay đã hạ giá hơn tuần trước, tuy nhiên giá quả chanh lại tăng mạnh, tới 10 giá do vận chuyển từ trong phía Nam ra, hiện ở mức 50.000 đồng/kg.

Một DN vận tải cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí giá thành vận chuyển. Giá xăng dầu tăng mạnh chắc chắn tác động tới giá cước vận chuyển. Với các đối tác của DN, công ty đều có thông báo trước với khách hàng về việc điều chỉnh giá cước khi giá xăng dầu đầu vào tăng. Hiện, Công ty chưa điều chỉnh giá ngay nhưng chắc thời gian tới cũng sẽ có điều chỉnh.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, giá xăng, điện tăng khiến các mặt hàng sẽ tăng. Từ 1-4, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của một số nhà cung cấp, tăng giá bán một số mặt hàng. 

Tuy nhiên, đến 4-4, giá bán tại siêu thị vẫn giữ ổn định, thậm chí một số mặt hàng tươi sống đang có chương trình khuyến mại giảm sâu, trái cây có loại giảm tới 30%. Lý giải mức giảm này, bà Dung cho biết, giá tốt là do siêu thị thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân, đặc biệt là trái cây, rau củ, quả.

Theo bà Dung, giá điện tăng sẽ tác động tới hoạt động của siêu thị, tăng chi phí vận hành. Bởi miền Bắc mùa hè rất nóng và kéo dài, siêu thị không thể tắt điều hoà để tiết kiệm điện được, thậm chí mùa hè còn phải tăng cường để phục vụ khách. Chi phí đầu vào tăng, nhà cung cấp tăng giá bán, tuy nhiên để tăng giá bán các mặt hàng trong hệ thống siêu thị thì phải chờ Saigon Co.opmart chính thức đưa ra thông báo với khách hàng, còn hiện nay giá bán vẫn giữ ổn định. 

Theo bà Dung, hiện khó khăn lớn nhất của DN bán lẻ trong nước là cạnh tranh với siêu thị nước ngoài. Vì vậy, DN phải cân đối làm sao để việc tăng giá không sốc đối với khách hàng.

Ông Phạm Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung cũng cho biết, ảnh hưởng từ tăng giá điện, giá xăng dầu là rất lớn, cả trực tiếp và gián tiếp tới hầu hết các ngành sản xuất quan trọng cả trong ngắn và dài hạn, gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chi phí đầu vào tăng, DN sẽ phải tính toán lại giá thành sản phẩm và tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc điện vừa tăng 8,36%, đến ngày 2-4, xăng RON 95 tăng tới 1.484 đồng/lít, lên hơn 20.000 đồng/lít là mức tăng sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, nhựa… Đơn cử, trong ngành thép, điện chiếm 6-7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép bán giá cao lên. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, cứ thế tác động liên hoàn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tâm lý người dân và DN đều không muốn giá điện, giá xăng dầu cũng như giá các mặt hàng khác tăng, nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng. Lý giải điều này, ông Lực cho hay, trước đây giá đầu vào của các DN vẫn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước, song hiện nay giá đầu vào không còn được bảo trợ. Chính phủ cũng đang yêu cầu tiến dần theo hướng thị trường và đó là điểm tích cực.

Với mức tăng mới này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý, đủ sức cạnh tranh. Ngoài yếu tố lạm phát, các DN phải cố gắng giữ thị trường trong nước, tránh thị trường trong nước rơi vào tay DN nước ngoài.

Lưu Hiệp
.
.
.