Vì sao phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường?
- Phân bón giả gây thiệt hại từ trên 2 tỷ USD mỗi năm
- Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả
- Vạch trần các thủ đoạn đưa phân bón giả trà trộn vào thị trường
Nhu cầu tiêu thụ phân bón các loại trên cả nước mỗi năm từ 10-10,5 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng sản xuất trong nước lên đến 30 triệu tấn. Riêng phân bón NPK, các doanh nghiệp (DN) sản xuất gấp 5 lần so với nhu cầu. Cung vượt quá cầu, dẫn đến việc cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường phân bón. Theo đó, phân bón giả, nhái, kém chất lượng cũng xuất hiện tràn lan...
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu thụ phân bón trên cả nước 10-10,5 triệu tấn/năm các loại, nhưng thực tế khả năng sản xuất trong nước lên đến khoảng 30 triệu tấn.
Nhận định về thị trường phân bón, tại Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam nguy cơ, thách thức và giải pháp” được tổ chức ngày 19-10, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, riêng phân NPK chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước với số lượng khoảng 5 triệu tấn. Thế nhưng khả năng sản xuất phân NPK trong nước lên đến 25 triệu tấn (gấp 5 lần) so với nhu cầu. Như vậy, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) chủ yếu tập trung vào phân NPK, và đối tượng cần quản lý chính là phân NPK.
Trên thực tế, phân bón NPK giả có 2 hình thức: Vi phạm SHTT và gian lận thương mại (gồm sản phẩm kém chất lượng; hoặc ghi nhãn hàng hóa mập mờ thương hiệu để người tiêu dùng (NTD) dễ bị nhầm lẫn). Thường thì các đối tượng ít dám sản xuất phân bón giả, bởi vì sợ “dính” vào tội hình sự. Còn hình thức gian lận thương mại, hiện chỉ bị xử phạt hành chính nên các đối tượng thực hiện rất phổ biến.
“Thực tế, các đơn vị trong tập đoàn của chúng tôi sản xuất phân NPK chỉ đạt được lợi nhuận trước thuế 5%/doanh số, riêng Supe Lâm Thao bây giờ cũng chỉ đạt 2-2,5%. Như vậy, lợi nhuận là rất thấp, nhưng tại sao phân bón giả, kém chất lượng lại làm nhiều như vậy. Câu trả lời đó là do lợi nhuận rất cao, siêu lợi nhuận, khi làm phân bón kém chất lượng”, ông Chuyên thông tin.
Các DN sản xuất phân bón cho rằng, rất lo ngại vấn nạn phân bón là hàng nhái, kém chất lượng bởi hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm hàng giả, kém chất lượng là rất ít cùng với sự nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã bao bì để qua mặt người dân và cơ quan quản lý.
Phân bón NPK bị rất nhiều DN làm nhái, phổ biến nhất là cách lách nhãn hiệu hàng hóa. Để bán được nhiều, các DN sản xuất hàng nhái, kém chất lượng, đã “dụ” các đại lý, nhà phân phối, mức ưu đãi cao vượt trội so với sản phẩm thật.
Vì hám lợi, không ít đại lý đã hướng nông dân mua những sản phẩm kém chất lượng. Thậm chí, nhiều đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập toàn phân bón giả, nhái, hàng kém chất lượng về bán cho nông dân.
Trong khi đó, người nông dân do thiếu kiến thức trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật, chỉ biết đặt niềm tin hoàn toàn vào các đại lý. Chính vì niềm tin đặt không đúng chỗ, có nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng đã giết chết cây trồng của người nông dân đã bị phát hiện.
Như tại tỉnh Hòa Bình, sản phẩm NPK-S 5.10.3-8 làm giả từ đất sét và bột đá. Người dân mua về bón cho ngô thì cây bị lá vàng, không cho năng suất hoặc bị chết. Tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, đối tượng sử dụng bột đá màu xám làm giả Supe lân Lâm Thao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người trồng cà phê...
Chính vì vậy, phân bón giả, nhái, kém chất lượng không chỉ gây nguy hại đối với cây trồng mà khiến đất đai bị thoái hóa, hấp thụ những chất độc hại mà cây trồng không hấp thu được, làm sản lượng nông sản bị giảm sút, mất an toàn về VSTP...
Trước thực trạng trên, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền nêu quan điểm, DN không nên mong chờ nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước, mà trước hết là DN phải tự bảo vệ mình, tự sản xuất bằng cách nào đó để chống lại việc gian lận thương mại cũng như chống được hàng giả. Nếu DN làm tốt việc này, mà vẫn còn bị thì lúc đó mới nhờ đến cơ quan chức năng để hỗ trợ.
“Chúng tôi quản lý từng khu vực, từng bao bì, thậm chí từng nhà phân phối một. Trong bao bì sản phẩm, chúng tôi có khoanh vùng, đóng dấu cho từng vùng riêng biệt. Vậy anh em đi thị trường thấy xuất hiện mã số vùng này, nhưng đang ở vùng khác thì lập tức chúng tôi biết ngay là sản phẩm của thị trường này bán qua thị trường kia hoặc sản phẩm có vấn đề. Ngoài ra, chúng tôi cũng thông báo với nông dân khi mang bao phân về mà thấy có dấu hiệu nào bất thường thì điện thoại ngay cho chúng tôi, lập tức có cán bộ thị trường ở khu vực đó xuống gặp. Sau đó, chúng tôi xác định được ngay lô hàng đó có giả hay không”, ông Phong nêu kinh nghiệm.
Theo ông Phong, thời gian gần đây, một số sản phẩm phân bón của các thương hiệu lớn do làm cách này mà DN cũng đã tự bảo vệ được mình. Tuy nhiên, theo ông Phong, cần có chế tài đối với nhà phân phối vì bản thân họ biết đâu là hàng giả, nhưng vì hám lợi nhuận nên họ tiếp tay cho hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu hủy hơn 20.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng các loại. Nói về việc quản lý thị trường phân bón, ông Bùi Thế Chuyên cho rằng, về lâu dài có thể xây dựng nền kinh tế nông nghiệp, nông dân hướng tới thị trường, nông nghiệp 4.0 chứ không phải là nông nghiệp “giải cứu”. Từ đó mới có thể thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Còn đối với DN sản xuất, Nhà nước cần có chính sách để các DN lớn phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật là rất cần thiết. Đặc biệt, việc xây dựng các cơ sở xử phạt phải răn đe. |