Vàng quay đầu tăng sốc, có nên mua vào?
Vàng sẽ tăng tiếp hay quay đầu giảm?
Sau khi giảm về mốc 53 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước ngày 2/12 đã quay đầu tăng. Tính đến cuối giờ chiều ngày 2/12, giá vàng đã vượt mốc 55 triệu đồng chiều bán ra. Giá vàng SJC biến động tăng theo xu hướng của thị trường vàng thế giới. Sau khi “test” mốc 1.764 USD/oz, giá vàng đã quay đầu tăng lên 1.813,48 USD/oz.
Nguyên nhân được cho là do đồng USD giảm sâu và việc một số nhà đầu tư tranh thủ giá vàng xuống đáy để mua vào. Ngoài ra, giá vàng còn hưởng lợi khi Quốc hội Mỹ phát tín hiệu có thể đi đến một gói kích cầu trị giá 908 tỷ USD để đưa nền kinh tế vượt “bão” COVID-19. Vàng tăng trở lại còn do chứng khoán thế giới biến động trái chiều, nhiều thị trường chứng kiến sự quay đầu giảm giá sau nhiều phiên tăng.
Giới phân tích xem việc giá vàng tái lập mốc 1.800 USD/oz là một dấu hiệu tốt. “Sẽ mất thời gian để giá vàng hồi lại những gì đã mất trong tháng 11, nhưng việc trở lại mốc 1.800 USD/oz là bước đi đầu tiên để các nhà đầu cơ giá lên một lần nữa thống lĩnh thị trường vàng”, Phó chủ tịch Jeff Wright của GoldMining nói với trang MarketWatch.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng giá vàng chỉ tăng trong ngắn hạn. “Giá vàng chỉ bật lên tạm thời, chứ chưa thay đổi được xu hướng giảm vì những tác động khách quan về chính trị và dịch bệnh. Theo tôi, ngắn hạn vài ngày thì tăng, nhưng trung hạn trong vòng 6 tháng sẽ giảm và về dài hạn trong vòng 2 năm thì kim loại quý sẽ tăng trở lại. Với xu hướng vàng như đã nói trên, thì mua vào hay bán ra tùy thuộc vào chiến lược đầu tư trung dài hạn hay lướt sóng để lựa chọn”, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, giá vàng biến động trong thời gian qua là do trên thị trường thế giới, các “tay to” chốt lời vào cuối quý 3, đầu quý 4. Đáng chú ý, một số ngân hàng trung ương lần đầu tiên đã có động thái bán vàng ra khiến cho xu hướng vàng giảm được hình thành. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ thực sự bền vững và sẽ giảm tiếp nếu các ngân hàng trung ương lớn bán ra, chứ không chỉ các ngân hàng nhỏ thì tác động sẽ không nhiều.
Giá vàng trong nước vẫn đứng cao hơn giá thế giới 3,5 triệu đồng mỗi lượng. |
Ai đang làm giá thị trường vàng?
Trở lại với thị trường vàng trong nước, dù giá vẫn tăng giảm theo xu hướng của thị trường thế giới, song điều đáng chú ý là giá vàng SJC luôn cao hơn nhiều so với giá thế giới. Cùng với đó, khoảng cách mua bán tiếp tục được các doanh nghiệp nới rộng để đảm bảo lợi nhuận, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.
Trước đó, theo tính toán công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau khi cộng tất cả thuế phí và biên lợi nhuận, vàng trong nước cao hơn vàng thế giới từ 800.000- 1 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý. Tuy nhiên, thời điểm này, giá vàng vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 3,5 triệu đồng mỗi lượng, thậm chí có những thời điểm, chênh lệch lên tới gần 6 triệu đồng mỗi lượng. Điều này tiếp tục khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có hay không hiện tượng làm giá trên thị trường vàng?
“Hiện, chỉ có NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu trên thị trường sơ cấp, còn trên thị trường thứ cấp, các doanh nghiệp niêm yết giá trên cân đối cung cầu. Tuy nhiên, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quá nhiều như hiện nay, sẽ là đích nhắm béo bở cho giới buôn lậu tuồn hàng vào. Dù không có con số thống kê chính thức, nhưng lượng vàng lậu chảy vào trong nước là khá lớn, và chính những đối tượng buôn lậu này đang góp phần “làm giá” trên thị trường vàng”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, từ nhiều năm nay, có các ý kiến đề nghị nên để cho một số doanh nghiệp có uy tín, có thực lực tài chính để tham gia thị trường vàng, để nguồn cung dồi dào, giá vàng sẽ về ngang bằng với giá thế giới.
Cùng quan điểm, chuyên gia về giá - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng cần sớm sửa đổi quy định về kinh doanh vàng để thị trường vận hành theo thế giới. “Vàng chỉ là một kênh đầu tư, không còn giá trị bản vị và hiện tư tưởng tích trữ vàng không còn cố hữu như trước nữa, nên hãy để thị trường vận hành theo cung cầu. Điều quan trọng khi thay đổi thị trường đó là sẽ giúp giảm tình trạng buôn lậu vàng ăn theo giá chênh lệch như hiện nay”, ông Long nói.
Thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng cần cân nhắc khi đề xuất thay đổi chính sách quản lý vàng trong nước bởi chủ trương 1 thương hiệu vàng quốc gia đang chứng minh được tính hiệu quả. “Vàng có ảnh hưởng đến tỷ giá. Từ ngày “siết” thị trường vàng, tỷ giá ổn định, dù doanh nghiệp xuất khẩu có kêu ca, nhưng tổng thể cả nền kinh tế hưởng lợi, bởi khi khi tỷ giá ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư sẽ tăng, thu hút được các dòng vốn nước ngoài”, ông Khánh kiến nghị.