Vẫn “nóng” tình trạng buôn lậu ở biên giới Tây Nam

Thứ Bảy, 16/06/2018, 06:30
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống để kéo giảm, ngăn chặn hàng lậu từ biên giới tuồn sâu vào nội địa nhưng từng lúc, từng nơi diễn biến của hoạt động này vẫn khá phức tạp, trở thành điểm “nóng”...


Những năm qua, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm diễn biến phức tạp. Lực lượng chống buôn lậu đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống để kéo giảm, ngăn chặn hàng lậu từ biên giới tuồn sâu vào nội địa. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi diễn biến của hoạt động này khá phức tạp, trở thành điểm “nóng”.

Gia tăng nạn buôn lậu cần sa

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, các đối tượng buôn lậu cần sa, ngoại tệ, vàng… thường là người nước ngoài, móc nối với người Việt để hình thành các đường dây mua bán khép kín. Khi bị bắt giữ, họ chỉ khai vận chuyển thuê, giấu tung tích người cung cấp, bán hàng nên việc bắt giữ, xử lý rất khó khăn. Thời gian gần đây nổi lên tình trạng buôn lậu cần sa qua biên giới.

Điển hình, chiều 12-5 vừa qua, tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên đã phối hợp cùng lực lượng Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên phát hiện, bắt giữ một đối tượng vận chuyển cần sa từ Campuchia vào Việt Nam. 

Đối tượng đi xe gắn máy BKS 67-F1 00413 nhập cảnh vào Việt Nam đã bị bắt giữ ngay cửa khẩu. Trên xe gắn máy của đối tượng này chở 2 thùng carton, bên trong có hơn 13kg lá, hoa, quả cần sa. Đối tượng khai nhận tên Chau Thị Nít (16 tuổi, ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu số lượng lớn bị Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, đêm 10-4, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một vụ vận chuyển cần sa từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Địa điểm bắt giữ tại QL91, thuộc phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên, An Giang) khi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Phòng CSGT đường bộ phối hợp cùng lực lượng Hải quan kiểm tra ôtô BKS 51A - 517.30 và phát hiện phương tiện này đang vận chuyển 13kg cần sa khô.

Từ cuối năm 2017, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển cần sa qua biên giới như vụ bắt giữ cả một gia đình tham gia vận chuyển 24kg hoa, lá, quả, thân cây cần sa trên xe ô tô mang BKS 51F-96507. Hay vụ bắt giữ đối tượng tên Danh Đâm (ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) khi đang vận chuyển 28kg hoa, lá, quả, thân cây cần sa tại khu vực xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Trên thực tế, hoạt động mua bán, vận chuyển cần sa khô từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ diễn biến phức tạp. Theo nhận định của ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu Cục Hải quan An Giang, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng cần sa có chiều hướng tăng mạnh. Lý do chính là do chênh lệnh của mặt hàng này lợi nhuận rất cao.

Cụ thể, 1kg cần sa khô có giá bán tại Campuchia là 1,5 đến 2 triệu đồng, khi về đến tỉnh An Giang đã có “bạn hàng” mua lại với giá 5 triệu đồng và TP Hồ Chí Minh là 10 triệu đồng.

Bất cập trong xử phạt hành chính

Theo lực lượng phòng chống buôn lậu các tỉnh, thành biên giới Tây Nam nhận định, khó khăn trong xử lý thuốc lá là các văn bản bị chồng chéo, ách tắc, bắt về xử lý không biết thế nào cho đúng. Các đầu nậu không ra mặt mà thuê tài xế vận chuyển bằng xe khách, ôtô, đến khi bị phát hiện, bắt giữ thì chủ xe và tài xế nói không liên quan đến nhau, gây khó trong xử lý. Trong khi tài xế không có khả năng nộp phạt, còn chủ xe không liên quan hành vi vận chuyển…

Thực tế giữa chủ xe và tài xế rõ ràng có quan hệ với nhau, nhưng không xác định được. Còn buôn lậu chạy xe máy khi bị bắt “bỏ của chạy lấy người”, sau đó cử chính chủ quay lại nhận phương tiện, mặc dù biết trước đó là người chủ bỏ chạy.

Có thể thấy, việc xử phạt hành chính dù có mức phạt cao nhưng phần lớn các đối tượng đều không đóng phạt hoặc không đủ khả năng đóng phạt và cũng rất khó có thể cưỡng chế. Bởi, phần lớn những người tham gia vận chuyển đều có hoàn cảnh khó khăn, xem việc vận chuyển thuốc lá là “cần câu cơm”, mưu sinh hằng ngày.

Để công tác phòng chống buôn lậu thực sự đạt kết quả, Trung tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh An Giang, cho rằng: “Thời gian qua, một số địa phương vùng biên giới chưa có sự phân công, quy trách nhiệm cho các ngành chưa rõ ràng, nên công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu như: Biên phòng, Công an, Hải quan, QLTT chưa có sự thống nhất và đồng bộ.

Việc trước mắt là cần phải xây dựng hệ thống quản lí dữ liệu thông tin chung của tất cả các lực lượng phòng chống buôn lậu, từ đó làm căn cứ để xử lý đối tượng, vụ việc một cách đúng người, đúng tội, không chồng chéo, kém hiệu quả”.

Còn Đại tá Phạm Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang kiến nghị: “Phương tiện vi phạm sau khi tịch thu đề nghị Bộ Tài chính giao cho UBND tỉnh trang bị lại cho lực lượng chống buôn lậu phục vụ công tác, còn nếu đưa ra bán đấu giá thời gian lâu, phương tiện xuống cấp và giá trị thu được không cao.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền và ngành chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hồ sơ bán đấu giá đường cát tịch thu, nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng hóa đơn để xoay vòng, hợp thức hóa. Ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm cho nhân dân vùng biên giới, từ đó ổn định cuộc sống, không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các đối tượng đầu nậu”.          

Nhiều năm nay, tuyến QL30 từ Hồng Ngự về Cao Lãnh (Đồng Tháp), đến ngã ba An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được xem là điểm “nóng” về tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu từ các điểm tập kết tại thị xã Hồng Ngự vào sâu trong nội địa và đi các tỉnh, thành miền Tây.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe máy, xe buýt hoặc xe khách để đưa đi tiêu thụ. Các đầu nậu, chủ hàng thuê người canh chừng, giám sát mọi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu hoặc tranh thủ lúc giờ nghỉ, thời gian thay ca để vận chuyển.

Đặc biệt, tình trạng vận chuyển hàng lậu bằng xe máy chạy với tốc độ cao, khiến người dân rất bức xức. Thực tế, rất nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra do đối tượng vận chuyển hàng lậu gây ra trên QL30, từ Hồng Ngự về Cao Lãnh.
V.Vĩnh – T.Lĩnh
.
.
.