Vẫn đề xuất tăng trần phí bảo vệ môi trường xăng dầu lên 8.000 đồng

Thứ Bảy, 01/07/2017, 09:24
Sau nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phí môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính đã có văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Dù có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự án này, Bộ Tài chính vẫn “đề nghị giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật”.

Cụ thể, có những đề nghị quy định lộ trình áp dụng ngay tại dự thảo Luật để đảm bảo tính ổn định của chính sách; đặc biệt việc căn cứ điều chỉnh khung thuế chưa rõ (dự thảo Tờ trình Chính phủ có nêu tỷ lệ thuế của từng mặt hàng ở Việt Nam đang ở mức thấp, nhưng cơ quan soạn thảo lại không nêu rõ tỷ lệ thuế tương ứng với từng mặt hàng tại các nước khác là bao nhiêu).

Ý kiến khác cho rằng, dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu dẫn đến cảm nhận hàng hóa khác (như than) gây ô nhiễm môi trường lớn, nhưng lại không bị tăng thuế cao. Để tăng tính minh bạch, một số ý kiến còn đề nghị bổ sung giải trình về lộ trình giảm thuế nhập khẩu với biểu khung thuế, đánh giá hiệu quả việc sử dụng chính sách thuế đối với xăng để lý giải cho việc đưa ra biểu khung thuế tại dự thảo Luật.

Một số ý kiến khác đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bằng 1,5 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít). Có ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa đối với xăng lên 5.000 đồng/lít, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, do đó khi tăng mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội...

Giải trình các ý kiến này, Bộ Tài chính cho rằng: Việc điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm thuế nhập khẩu, mà còn “xem xét đến nhiều yếu tố khác”.

Với lý do khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài; tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam... nên Bộ này đã  “đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật”.

Về thuế đối với xăng sinh học (xăng E5 và dầu diesel B5 mức thuế bằng 80% mức thuế của sản phẩm truyền thống; xăng E10 và dầu diesel B10 mức thuế bằng 70%), một số ý kiến đề nghị giảm tỷ lệ xuống lần lượt là 70% và 60%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn “đề nghị giữ như dự thảo” với lý do “khuyến khích hơn nữa việc sản xuất, sử dụng xăng dầu sinh học; đồng bộ với quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi hiện hành đối với xăng sinh học (xăng khoáng là 10%, xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7%)”.

Về thời điểm tính thuế BVMT (dự thảo đề nghị thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra), có ý kiến đề nghị giữ quy định về thời điểm tính thuế như hiện hành với nhiều lý do: Sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (khi đi vào hoạt động) sẽ đáp ứng khoảng 70-80% tổng nhu cầu xăng dầu tiêu dùng trong cả nước, chỉ còn 20-30% thuế BVMT của mặt hàng xăng dầu được thu từ khâu nhập khẩu.

Bộ Tài chính “giải trình” nhưng không “tiếp thu” bất cứ góp ý nào về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Việc giữ quy định hiện hành cũng đảm bảo nguyên tắc xăng dầu tiêu dùng ở đâu thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương đó, quản lý được sản lượng xăng dầu bán ra tại các công ty đầu mối tại các địa phương, cũng như thu/nộp thuế BVMT tại các địa phương đó.

Việc doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải nộp thuế BVMT ngay tại khâu nhập khẩu khi mở tờ khai hải quan hoặc khi mua từ các nhà máy lọc dầu sản xuất trong nước sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp vì: Xăng dầu nhập khẩu để đưa tới người sử dụng phải trải qua các khâu bơm, nhập, tồn chứa, vận chuyển và có phát sinh hao hụt nên thu ngay tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu sẽ khiến doanh nghiệp phải nộp thuế BVMT trên cả phần hao hụt; chi phí vốn của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu gia tăng, gây áp lực đến giá bán vì xăng dầu chưa tiêu thụ đã phải nộp thuế BVMT; việc xác định chính xác đối với xăng dầu tiêu thụ tại từng địa phương là rất khó (hiện nay, mới chỉ tạm kê khai theo tỷ lệ 37,2% sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước trên tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn) sẽ khó khăn cho cả công ty đầu mối cũng như cơ quan thuế trong kiểm soát việc kê khai.

Việc phân bổ tỷ lệ giữa ngân sách trung ương và địa phương dự kiến dựa vào số liệu thống kê quá khứ được cho là sẽ không đảm bảo chính xác. Có ý kiến cho rằng việc thu thuế đối với xăng dầu nhập khẩu ngay tại khâu nhập khẩu và điều tiết NSTW 100% thì nguồn thu nội địa sẽ sụt giảm...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn cho rằng quy định mới là “để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; thuận tiện cho doanh nghiệp khi kê khai, nộp thuế; thuận lợi cho cơ quan quản lý thu thuế; đảm bảo công bằng đối với các hàng hóa khác đang thuộc đối tượng chịu thuế và vẫn đảm bảo nguyên tắc xăng dầu tiêu thụ tại địa phương nào thì thu/nộp thuế BVMT tại địa phương đó (đối với xăng dầu sản xuất trong nước); chống thất thu thuế, động viên nhanh nguồn thu vào NSNN...”, nên cũng “đề nghị giữ như quy định tại dự thảo”.

Vũ Hân
.
.
.