Ứng dụng tiếp thị điện tử để quảng bá du lịch Việt

Chủ Nhật, 08/07/2018, 00:27
Nắm bắt xu hướng phát triển du lịch trực tuyến và tận dụng các thành quả của khoa học công nghệ, nhiều năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp du lịch lớn đều quan tâm đầu tư cho du lịch trực tuyến, đặc biệt là các ứng dụng tiếp thị điện tử (E-Marketing).

Hoạt động trong quảng bá, xúc tiến du lịch qua điện tử cũng được Nhà nước, cụ thể là Tổng cục Du lịch đẩy mạnh triển khai và kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được nhiều vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động này.

Hiện nay, vào bất kỳ trang thông tin của doanh nghiệp du lịch nào, du khách đều “no mắt” với vô số thông tin, hình ảnh về các điểm đến, chính sách khuyến mãi hấp dẫn, lựa chọn giá tour. 

Với website của một số doanh nghiệp lớn như Saigontourist, Vietravel, Hanoi Tourist…, các hệ thống cung cấp dịch vụ lưu trú cao cấp như các khách sạn 5 sao, 4 sao, khách có nhu cầu mua tour, lưu trú qua đêm còn được trải nghiệm thử về các dịch vụ, điểm đến thông qua không gian ảo.

Hoạt động xúc tiến quảng bá qua không gian gian số đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê của ngành Du lịch Việt Nam năm 2017, 71% du khách quốc tế đến Việt Nam từng tham khảo thông tin qua Internet và 64% khách đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Kết quả này cho thấy, xúc tiến quảng bá du lịch qua không gian số đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. 

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, đầu tư công nghệ cho hoạt động này khá tốn kém và vẫn làm theo kiểu tự phát, cơ sở hạ tầng, ngân hàng dữ liệu còn thiếu và yếu. Muốn giải quyết các vấn đề này cần phải có sự chủ trì, kết nối từ phía cơ quan quản lý nhà nước với những giải pháp thống nhất, đồng bộ.

Hình ảnh quảng bá điểm đến Hội An trên trang web vietnam.travel.

Trao đổi quanh câu chuyện tiếp thị điện tử trong đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Việt nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, Tổng cục xác định đây là xu hướng tất yếu nên đã và đang tập trung tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh đầu tư. Bởi lẽ, ngoài hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả, tiếp thị điện tử còn giải quyết nhiều vấn đề khác của du lịch Việt Nam. 

Việc giảm tải áp lực về hướng dẫn viên du lịch là một ví dụ. Vài năm gần đây, mức tăng trưởng khách quốc tế rất cao nhưng công tác đào tạo hướng dẫn viên chưa đáp ứng được nhu cầu, dù rằng, Tổng cục đã yêu cầu các địa phương tăng cường đào tạo, cấp thẻ cho hướng dẫn viên. 

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khẩn trương triển khai một ứng dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ thông tin. Đây là một giải pháp công nghệ để cung cấp thông tin trên điện thoại. Khi khách tới điểm đến thì thông tin ấy sẽ tự động hiển thị trên điện thoại của họ. Khách có thể tự tìm hiểu nếu không có hướng dẫn viên. 

Hiện  nay, Tổng cục đang phối hợp với một công ty cung cấp hỗ trợ công nghệ, họ được hưởng lợi trong việc khách sử dụng dịch vụ của họ còn Tổng cục Du lịch sẽ lo việc cung cấp, xây dựng dữ liệu về điểm đến để cung cấp cho khách du lịch. Trước mắt, hoạt động này sẽ thực hiện thí điểm ở một số nơi, sau đó sẽ nhân rộng ra. Trong tương lai gần, thông tin của các dịch vụ tương tự sẽ được thực hiện.

Ông Hoàng Minh Chính, Trưởng ban Thư ký của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cũng cho hay, Hội đang tích cực phối hợp với Tổng cục Du lịch nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường khách quốc tế. Hội đã hỗ trợ  xây dựng, đưa vào vận hành trang web vietnam.travel. Đây là trang web với phong cách hoàn toàn mới, chuyên nghiệp. 

Trên trang web tập trung các hình ảnh, video phù hợp cho khách sử dụng mobiphone. Đây là kho hình ảnh có bản quyền, hình ảnh do các bloger nổi tiếng chụp. Các nội dung cũng dựa trên người viết là khách quốc tế. Đặc biệt, trên web, còn đưa các tour 360 độ nhằm tạo hứng khởi cho người xem, giúp họ thấy gần gũi hơn với điểm đến trước khi sang Việt Nam. 

Trước mắt, thông tin trên trang web mới tập trung ở các điểm đến di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.  Hội cũng đã triển khai thực hiện với các điểm đến tiêu biểu như Nha Trang, Huế, Hội An, Phong Nha, Kẻ Bảng (Quảng Bình). Những người thực hiện còn dựa trên phân tích của google để nắm bắt thông tin xu hướng khách quốc tế đang quan tâm đến khu vực nào thì lập tức cập nhật liên tục thông tin, hình ảnh về khu vực đó.  

Với cách làm này, đến năm 2020, vietnam.travel sẽ đạt tỷ lệ khách quốc tế truy cập rất cao, ít nhất là tương đương với trang web của các quốc gia phát triển du lịch trong khu vực như Singapore, Thái Lan và phấn đấu đạt 70% đến 80% khách quốc tế đến Việt Nam tham gia vào trang web này.

Ông Chính cũng khẳng định, bên cạnh xây dựng và vận hành vietnam.travel, Hội còn tích cực phối hợp với Tổng cục Du lịch, các đơn vị liên quan triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch Việt qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube và xác định E-Marketing là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, phương thức này đòi hỏi phải được tập trung cao cả về nguồn lực cơ sở vật chất lẫn nhân lực. 

Để triển khai thực hiện được thì không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước mà nên theo phương thức xã hội hóa, vận động tổng hợp các nguồn lực theo cách các bên đều có những quyền lợi phù hợp. Với nhân lực cũng thế. Cụ thể, để xây dựng trang vietnam.travel, những người tổ chức thực hiện phải thành lập nhóm marketing, trong đó có các chuyên gia người nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam cùng phối hợp làm việc. 

Ngoài ra, một số chuyên gia quốc tế có tầm cỡ cũng được kêu gọi hỗ trợ thông qua nhiều “kênh” khác nhau. Những chuyên gia này không làm việc toàn thời gian mà tham gia với vai trò tư vấn, cộng tác viên. Nhưng, kết quả cho thấy, những đóng góp của họ có vai trò rất lớn trong quá trình thực hiện trang web.

Ngọc Nguyễn
.
.
.