Trung Quốc đang tiêu thụ số lượng lớn vải thiều của Việt Nam

Thứ Tư, 20/06/2018, 07:36
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 19-6, tổng sản lượng tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) ước đạt 125.630 tấn, tổng doanh thu ước đạt 3.411 tỷ đồng. Tổng số vải đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sản lượng ước đạt 36.500 tấn.



Hiện nay, giá vải vẫn giữ ở mức ổn định, từ 25.000-28.000đ/kg, riêng vải lai Lục Ngạn (vải phấn) có mức giá khá cao, từ 32.000-35.000đ/kg. Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thương nhân tập trung chủ yếu đến thu mua vải thiều trên địa bàn của huyện Lục Ngạn (khoảng trên 150 thương nhân Trung Quốc và khoảng trên 1.000 thương nhân Việt Nam). 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 700 điểm cân vải lớn, nhỏ. Riêng tại huyện Lục Ngạn có khoảng trên 600 điểm cân. Ngoài thị trường nội địa và Trung Quốc, vải đã được tiêu thụ tại các nước Singapore, Thái Lan, Úc, Nhật. Dự kiến ngày 20-6, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm sẽ xuất sang Thái Lan 200 tấn vải bằng đường hàng không.

Phân loại vải trước khi đóng thùng bán cho thương nhân. Ảnh: Khương Lực

Trước đó, ngày 17-6, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Quốc hội đã đi kiểm tra tình hình tiêu thụ vải ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm nay vải thiều rất được mùa và đã tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao tỉnh Bắc Giang đã chủ động cùng với bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức ngành hàng, tổ chức thương mại một cách rất bài bản. Ngay từ những ngày cuối tháng 5, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã sang Trung Quốc để chủ động xúc tiến thương mại với các bạn hàng.

Ngày 8-6, tỉnh Bắc Giang đã chủ động mời 26 tỉnh, TP của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh trọng điểm tiêu thụ lớn ở trong nước để tổ chức xúc tiến thương mại. Qua sự kiện này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp vừa trực tiếp phân phối sản phẩm vải thiều, vừa trực tiếp thu mua để chế biến. 

Do đó, dù sản lượng năm nay tăng cao nhưng vẫn có được giá bán tốt.Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, toàn huyện Lục Ngạn có 15.290ha vải thiều; trong đó, diện tích sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP gần 11.500ha; 200ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2018, ước sản lượng vải thiều của huyện đạt trên 140.000 tấn. Ngoài việc tiêu thụ vải tươi, huyện Lục Ngạn còn có 168 lò sấy vải, tập trung tại các xã: Quý Sơn, Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến như Công ty Nafood Nghệ An, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng thu mua vải của bà con nông dân để ép nước.

Tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải tại Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, từ nay cho đến cuối vụ, địa phương phải tập trung tối đa các giải pháp để tiêu thụ bằng được hết sản phẩm ở giá cả hợp lý nhất, phù hợp, có lợi cho bà con nông dân; chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục bảo quản, chăm sóc sản phẩm; tiếp tục phối hợp xúc tiến thương mại.

Huyện Lục Ngạn cũng cần tập trung vào các nhóm giải pháp từ các loại dịch vụ hỗ trợ như: nước đá, hộp xốp, giao thông, an ninh... để đảm bảo việc tiêu thụ thông suốt, có một mùa vải trọn vẹn, được mùa, được giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Chi Linh
.
.
.