Triển khai nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ Tư, 09/10/2019, 08:59
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, thời gian qua, các ngư dân, chủ phương tiện tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chấp hành nghiêm quy định để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp…


Cùng với ngư dân ở các tỉnh, thành miền Trung, nhiều chủ tàu thuyền xa bờ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển hợp pháp đúng theo Luật Thủy sản và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 2.000 tàu cá, trong đó tàu chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ hơn 400 chiếc, với khoảng 200 tàu có công suất từ 400CV trở lên. 

Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung sắp xếp, bố trí các trạm bờ thông tin để quản lý, giám sát tàu cá; tăng cường lực lượng chức năng và kiểm ngư phục vụ công tác tuyên truyền, phòng, chống khai thác IUU đúng theo Luật Thủy sản quy định. 
Trước khi ra khơi, tàu cá ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đều được lắp máy giám sát hành trình và thực hiện nghiêm quy định Luật Thủy sản.

Đặc biệt, trước thực trạng các cơ sở hậu cần nghề cá còn yếu, việc ghi chép của ngư dân về nguồn gốc thủy sản không đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc; tình trạng đánh bắt hủy diệt bằng nghề giã cào diễn biến phức tạp nên ngày 6-5-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã và TP Huế xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, thời gian qua, các ngư dân, chủ phương tiện tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chấp hành nghiêm quy định để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU…

Vừa cho tàu cập vào cảng cá Thừa Thiên-Huế sau chuyến đi biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Trường Sang (44 tuổi, ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), chủ tàu cá số hiệu TTH-97852 cho biết, sau 20 năm bám biển, vào năm trước gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn theo Nghị định 67 của Chính Phủ để đóng mới chiếc tàu cá hơn 500 mã lực này. Tàu lớn nên việc bám ngư trường đánh bắt xa bờ dễ dàng hơn. 

Được các cán bộ kiểm ngư và các cơ quan chức năng tuyên truyền, ông đã lắp máy giám sát hành trình trên tàu theo quy định và đánh bắt đúng ngư trường cho phép. Đồng thời khi tàu xuất, cập cảng đều có nhật ký khai thác, thu mua, ghi rõ thành phần các loài thủy sản tàu đánh bắt được cũng như thực hiện đúng các quy định mới của Chính phủ theo Luật Thủy sản. 

Ngư dân Nguyễn Văn Vui (45 tuổi, ở huyện Phú Vang), chủ tàu cá TTH-85071 cũng cho hay, qua công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng và tìm hiểu thông tin về “thẻ vàng” IUU cảnh báo của EC, ông và các ngư dân địa phương đã nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, nhất là biết được vùng biển nào tàu cá được phép hoạt động theo công suất của tàu, ngành nghề được cấp phép khai thác thủy sản, các loài thủy hải sản bị cấm khai thác, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản… 
Qua công tác tuyên truyền, ngư dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống khai thác IUU.

Cảng cá Thừa Thiên-Huế (thị trấn Thuận An, Phú Vang) mỗi ngày đón hàng trăm tàu, cá ra vào cảng phục vụ hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản của ngư dân, nên tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá này nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU. 

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đơn vị còn thực hiện việc cấp phép khai thác thủy sản tàu xa bờ theo hạn ngạch được phân bổ theo quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT. Nếu tàu nào không lắp máy giám sát hành trình thì sẽ không được cấp phép khai thác. Đối với tàu cá khai thác hải sản vùng lộng sẽ không cấp mới, cấp đổi sang nghè lưới kéo, giã cào và sẵn sàng thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước khi chủ hàng có yêu cầu. 

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU tại cảng cá Thừa Thiên-Huế, cũng yêu cầu Ban Quản lý cảng cá Thừa Thiên-Huế tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy hải sản với số lượng, thành phần loài thủy sản trên tàu cá; số đăng ký tàu với danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ NN&PTNT cung cấp.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế còn yêu cầu, ngoài tăng cường công tác đánh bắt, thu mua, chế biến hải sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Chính phủ theo Luật Thủy sản để ngư dân nắm rõ, qua đó nhắc nhở ngư dân, chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định trước và sau khi ra khơi; đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Anh Khoa
.
.
.