Tìm giải pháp bình ổn giá thịt lợn

Thứ Tư, 17/06/2020, 06:22
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi phải giảm giá lợn hơi ngay từ đầu tháng 4, nhưng cho đến nay giá thịt lợn trên thị trường không những không giảm mà còn tăng, thậm chí tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Một số giải pháp cũng được thực hiện để kéo giảm giá thịt lợn, tuy nhiên giá thịt lợn trong nước vẫn không có dấu hiệu “hạ nhiệt”...


Giá thịt lợn vẫn “nhảy múa”

Dịch tả lợn châu Phi khởi phát từ cuối năm 2018 và hoành hành suốt cả năm 2019. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lợn phá sản, cung không theo kịp cầu khiến giá thịt lợn tăng liên tục và không có dấu hiệu giảm. Để bình ổn thị trường thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các DN chăn nuôi từ ngày 1- 4 phải giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, tiến tới giá thấp hơn vào những quý cuối năm 2020.

Tuy nhiên, từ ngày 1-4 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước chưa bao giờ lùi về mức 70.000 đồng/kg, thường dao động ở mức 86.000 - 90.000 đồng/kg, có thời điểm đã vượt mốc 100.000 đồng/kg. Trước tình hình đó, nhằm giảm áp lực thịt lợn trong nước, nhiều đơn vị đã nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn.

Sức mua giảm do giá thịt lợn luôn đứng ở mức giá cao.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt nhập khẩu về Việt Nam bán ra thị trường rẻ hơn nhiều so với thịt lợn trong nước 20% - 40%, nhưng sức mua của NTD đối với thịt lợn nhập khẩu chưa cao.

Lý giải nguyên nhân thịt lợn nhập khẩu tiêu thụ chậm, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho rằng, NTD hiện nay chưa có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu, thói quen tiêu dùng của người dân đa số vẫn thích sử dụng hàng tươi.

Trước tình trạng giá thịt lợn liên tục “leo thang”, thịt lợn nhập khẩu vẫn chưa thay thế được thịt lợn trong nước, Bộ NN&PTNT thực hiện biện pháp mạnh hơn là cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan từ ngày 12-6, với kỳ vọng sẽ kéo nhanh mặt bằng giá thịt lợn trong nước về mức hợp lý, điều mà thịt lợn đông lạnh chưa làm được.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Phước Long (quận 7) cho biết: “Khi có thông tin nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan thì giá thịt lợn trong nước giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, mức giảm này ổn định khoảng 10 ngày nay. Tuy nhiên, mặc dù giá giảm nhưng sức mua cũng không tăng  do giá thịt lợn cũng còn quá cao”.

Theo ghi nhận của PV ngày 16-6, giá bán của công ty Vissan, thấp nhất là xương bộ với giá 60.000 đồng/kg, các loại như chân bắp giò, cốt lết, dựng, nạc vai, giá từ 115.000 – 140.000 đồng/kg. Cao nhất sườn non 252.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn 252.000 đồng/kg; Tại công ty thực phẩm tươi sống Hà Hiền, sườn non 195.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn 185.000 đồng/kg, ba rọi 170.000 đồng/kg, nạc đùi 135.000 đồng/  kg, nạc vai 130.000 đồng/kg...

Mức giá này của các công ty đang ổn định so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh - Tiểu thương chợ Phú Xuân (Nhà Bè) cho biết, theo thông báo của đại lý thì giá thịt lợn của công ty CP sẽ tăng từ ngày 17-6.

Giữa lúc thị trường hạ nhiệt thì bất ngờ giá thịt lợn bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh lại điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng - 29.000 đồng/kg (tương ứng tăng 0,9% - 28,6%), kể từ ngày 16-6 đến hết năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021. Mức giá này do Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Theo đó có 8 mặt hàng thịt lợn điều chỉnh tăng giá.

Cụ thể, 6 mặt hàng có mức tăng giá nhiều gồm: Thịt đùi từ 140.000 đồng lên 160.000 đồng/kg, thịt vai từ 139.000 đồng lên 160.000 đồng/kg (tăng 21.000 đồng), thịt cốt lết từ 138.000 đồng lên 152.000 đồng/kg (tăng 14.000 đồng), chân giò 128.000 đồng lên 142.000 đồng/kg (tăng 14.000 đồng), xương bộ 70.000 đồng lên 90.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg); thịt nạc vai, đùi tăng từ 161.000 đồng lên 190.000 đồng/kg (tăng 29.000 đồng/kg).

Còn lại, 2 mặt hàng có mức điều chỉnh tăng ít hơn là thịt nách từ 134.000 đồng lên 137.000 đồng/kg, xương đuôi tăng 115.00 đồng lên 116.000 đồng/kg. Có 4 đơn vị bán lẻ được điều chỉnh tăng giá bán gồm: Hệ thống siêu thị Big C, Saigon Co.op, Công ty Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). 

Lấy lý do giá lợn hơi tăng liên tục, nhất là trong tháng 5 vừa qua, trong khi giá thịt lợn bình ổn vẫn giữ giá từ đầu tháng 1 cho đến 15-6. Vì vậy, các DN tham gia bình ổn đã kiến nghị đến cơ quan quản lý về việc cho tăng giá bán mặt hàng thịt lợn trong diện bình ổn.

Theo đại diện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, việc cho điều chỉnh tăng giá này dựa theo các kiến nghị của các đơn vị tham gia bình ổn và xem xét thực tế biến động giá lợn. Tuy vậy, mức giá được điều chỉnh vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường.

Theo chương trình bình ổn thị trường thì giá sản phẩm bình ổn thấp hơn thị trường 5% - 10%. Tuy nhiên, theo giá điều chỉnh từ nay đến cuối năm đối với sản phẩm thịt lợn bình ổn, có nhiều loại giá đứng ở mức khá cao.

Nhập con giống từ nước ngoài về “thủ phủ” chăn nuôi

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, giá lợn hơi neo ở mức cao suốt thời gian qua, song nguồn lợn thịt đến kỳ xuất bán còn lại trong các hộ nuôi rất ít. Do đó dù giá lợn thịt ở mức rất cao, thì thực tế người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi bao nhiêu mà chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp chăn nuôi đầu mối và thương lái trung gian.

Để sớm cung ứng nguồn lợn thịt ra thị trường, hiện nhiều hộ dân và trang trại của doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tại Đồng Nai đang tăng cường các giải pháp để tái đàn nhằm kéo giảm giá lợn thịt xuống trong thời gian sớm nhất.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, một chủ hộ chăn nuôi ở xã Bình Lộc, TP Long Khánh cho hay, việc tái đàn của các trang trại thời gian gần đây diễn ra khá thuận lợi do bà Hạnh và nhiều hộ khác đã chủ động được con giống. Hiện gia đình bà Hạnh đã duy trì ở mức gần 100 con lợn thịt và khoảng 20 con lợn nái. 

Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cho rằng, để đẩy mạnh việc tái đàn, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những giải pháp thiết thực để gỡ khó cho các hộ nuôi. Ngày 12-6 vừa qua, lô lợn thịt đầu tiên với số lượng 317 con giống được nhập từ Thái Lan đã về đến trang trại heo thuộc hệ thống của Công ty Thùy Dương Phát.

Sau khi được nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, DN đã đưa số lợn giống này đến trang trại Đồng Hiệp ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu do ông Nguyễn Hữu Thắng làm chủ để thực hiện cách ly. Ông Thắng cho biết, sức khỏe của cả đàn hiện rất tốt và trại của ông đã đăng ký nhập khoảng 10.000 con lợn các loại từ Thái Lan.  317 con vừa nhập về là số lợn hậu bị, số đã đăng ký nhập khẩu còn lại sẽ tiếp tục về trang trại trong những ngày tới.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho thủ phủ chăn nuôi, Cục Thú y cũng đã tổ chức kiểm tra hồ sơ khai báo về tình trạng sức khỏe thực tế của từng con trong đàn lợn vừa nhập về. Bước đầu không phát hiện triệu chứng lâm sàng của các dịch bệnh truyền nhiễm, nhưng trong thời gian nuôi cách ly, đàn lợn giống nhập ngoại này tiếp tục được lấy mẫu giám sát về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau thời gian này, nếu số lợn giống này khoẻ mạnh, không có dịch bệnh Cục Thú y sẽ cấp chứng nhận cho doanh nghiệp chăn nuôi nhân giống, phục vụ việc đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn ở Đồng Nai.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cho biết, với những nỗ lực của cả người chăn nuôi và cơ quan chức năng, tỉnh Đồng Nai đã đưa tổng đàn hiện nay đạt hơn 2 triệu con. Dự tính đến quý 3, tổng đàn sẽ đạt 2,3 triệu con và đến cuối năm nay Đồng Nai sẽ đưa tổng đàn lên 2,5 triệu con, bằng với con số trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Qua đó sẽ góp phần cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường thịt lợn tại nhiều tình thành trong thời gian sớm nhất.

Thúy Hà- Bảo Sơn
.
.
.